Chùa Xà Tón – Ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất của An Giang

Những ngôi chùa Khmer được xem như một biểu tượng văn hóa vật chất, tinh thần của đồng bào với những đặc điểm kiến trúc hết sức độc đáo và đặc sắc. Trong đó không thể không nhắc đến Chùa Xà Tón. Đây là một trong những ngôi chùa tiêu biểu cho nghệ thuật kiến trúc chùa tháp của người Khmer Nam Bộ. Nó là ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất trong tỉnh An Giang – nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá tại Việt Nam.

Nội dung chính

1. Tại sao chùa có tên là Xvayton (Xà Tón)

Tương truyền, từ thời Bảy Núi vẫn còn là vùng rừng rậm, hoang vu, ít người lui tới. Trên những ngọn cây, từng đàn khỉ nối đuôi nhau chuyền cành, chúng dạn dĩ chọc ghẹo, níu kéo người qua đường. Thuở ấy, lũ khỉ hoang thường xuyên vào chùa, nhà dân, thân thiện như khỉ nhà. Có lẽ vì vậy mà hình ảnh khỉ chuyền cành đã trở nên quá thân thuộc. Nên chùa mới có tên là Xvayton (trong tiếng Khmer, “xvay” là khỉ, còn “ton” là đeo, níu kéo).

Về sau, nhiều người đọc chệch là Xà Tón. Đến nay, chùa Xà Tón còn tồn tại nhiều cây cổ thụ có tuổi thọ đến cả trăm năm, nơi gắn với hình ảnh lũ khỉ chuyền cành.

Chùa vàng Xà Tón

2. Lịch sử ngôi chùa Xà Tón

Chùa Xà Tón còn gọi là chùa Xvayton nằm ở thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn được xây dựng cách đây hơn 300 năm.

Theo lịch sử ghi ghép lại, chùa Xà Tón được đồng bào Khmer dựng lên từ năm 1696 bằng ván gỗ, mái tranh đơn sơ trên nền đất thấp. Sau đó, nhà chùa và nhân dân quanh vùng ra sức đào 1 cái hồ ở phía trước để lấy đất tôn cao nền chùa. Nền chùa đắp cao được xây bằng đá xanh, vôi, ô dước. Đến năm 1896, chùa được xây kiên bằng gạch ngói, cột bằng gỗ và được tu bổ nhiều lần cho đến diện mạo ngày nay.

Ngôi chùa xây dựng cách đây 300 năm

Có thể nói, ít ngôi chùa Khmer nào có được không gian rộng và kiến trúc đẹp tinh tế như ngôi chùa này. Ngay từ cổng bước vào, các cụm kiến trúc dàn trải và có vẻ đẹp riêng cuốn hút lữ khách đến thăm. Chùa có nhiều cây cổ thụ cả vài trăm năm tuổi. Những bảo tháp cổ kính, rêu phong đứng trầm mặc tôn vinh thêm cho vẻ đẹp xưa cũ của ngôi cổ tự.

3. Kiến trúc của chùa Xà Tón

Trước chùa Xà Tón có 1 hồ nước, đây là một hồ nhân tạo được nạo vét để nâng nền chánh điện lên. Hồ nước trồng hoa sen và hoa súng. Xung quanh bờ hồ còn trồng khá nhiều cây dừa. Đặc biệt gần đó có bóng cây Lâm Vồ cổ có độ tuổi hơn 100 năm. Xung quanh khuôn viên chùa trồng nhiều cây xanh cổ thụ lâu năm. Một vài cây cổ thụ có đến hơn trăm năm tuổi.

Hồ nước phía trước chùa Xà Tón

Kiến trúc chùa Xà Tón ngoài bờ hồ được xem là đặc trưng, đa phần kiến trúc chung khá giống các chùa Khmer khác: Cổng chùa, nhà Sala, Chánh điên, phòng ở của sư và khách tham quan, phòng hội nghị, nơi dành riêng cho các ngôi mộ, tháp cốt,…

Kiến trúc Chánh điện chùa Xà Tón

Chánh điện là mái tam cấp, mái được lớp các màu đặc sắc phối lại: xanh dương, đỏ, vàng, cam. Bốn góc của mái là hình tượng rắn Naga. Mái bên dưới nhìn khá cũ kỹ bởi những vết đen vì lâu năm.

Hình tượng thần rắn Naga

Bên trong chánh điện chùa thờ phụng Phật Thích Ca như nhiều ngôi chùa khác. Trên trần là nhiều bức vẽ khác nhau về cuộc đời đức Phật, từ khi người ra đời đến lúc người ngồi dưới gốc bồ đề niết bàn. Bên trong có 4 hàng cột làm bằng gỗ căm xe, mỗi hàng gồm 7 cột.

Bên trong chánh điện

Xung quanh khuôn viên chùa cũng khá rộng. Nếu tham quan, bạn sẽ thấy khá nhiều tháp nhỏ khác nhau. Màu sắc các tháp đa phần màu vàng rực rỡ. Trên đó thường điêu khắc nhiều hình tượng thần linh quan trọng của Phật giáo Nam Tông như thần rắn naga, tiên nữ hay thần Bayon 4 mặt (Đây là vị thần Sáng Tạo của người Khmer Nam bộ),…

Những tháp nhỏ nhiều màu sắc

Nhiều tượng Phật Thích Ca cũng được đặt khắp nơi trong khuôn viên chùa. Một số có hình dáng ngồi dưới gốc bồ đề, một số thì có dáng nằm hay đứng.

Tượng Phật Thích Ca

4. Nơi lưu giữ trên 100 bộ kinh ghi trên lá

Ngoài giá trị kiến trúc, chùa Xà Tón còn là nơi lưu giữ trên 100 bộ kinh ghi trên lá. Đây được xem loại thư tịch cổ, là báu vật quý hiếm có giá trị về văn hóa – nghệ thuật mang đậm nét truyền thống trong quy trình làm sách cổ của người Khmer vùng ĐBSCL.

Dãy nhà tăng

Mỗi bộ sách được lưu giữ, bảo tồn trong chùa không chỉ phục vụ cho việc truyền đạt kinh Phật, mà thông qua những câu chuyện dân gian, những thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca… Nó góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, giáo dục luân thường đạo lý cho các phật tử trong cộng đồng phum, sóc. Đồng thời, qua những bộ sách lá đã góp phần bảo tồn chữ viết và tiếng mẹ đẻ của ĐBDTTS Khmer vùng Bảy Núi. Năm 2006, chùa Xà Tón được Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục “Ngôi chùa lưu giữ nhiều bộ kinh lá nhất Việt Nam”.

Biểu tượng văn hóa của đồng bào KhMer

Chùa Xà Tón (thị trấn Tri Tôn, Tri Tôn) là ngôi chùa có nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp. Với hơn 300 năm tuổi, đây là nơi lưu giữ nhiều nhất về sách kinh lá của đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) Khmer An Giang. Đây sẽ là một điểm dừng chân thú vị khi du khách tới An Giang.

Chùa Xà Tón – Ngôi chùa Khmer cổ xưa nhất của An Giang
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung