Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng uy nghi mà giản dị

An Giang với vẻ đẹp bình dị của miền sông nước cùng vẻ đẹp hồn hậu của người dân nơi đây khiến ai đã từng một lần đến đều không thể quên được. Miền đất này đã sinh ra một người cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo cách mạng kiệt xuất, một nhân cách lớn của quê hương mà các đồng bào, đồng chí gọi hai tiếng thân thương và bình dị: Bác Tôn.
Tới An Giang du lịch, du khách không thể bỏ qua Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tọa lạc trên cù lao Ông Hổ. Khu lưu niệm được công nhận Di tích Lịch sử năm 1984 và Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.

Nội dung chính

1. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở đâu

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng nằm ở Cù lao Ông Hổ, giữa sông Hậu, tổ 4, ấp Mỹ An 2, xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang. Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng được thành lập sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) quyết định xếp hạng là Di tích lịch sử quốc gia năm 1984. Đây là nơi Bác Tôn đã sinh ra, trưởng thành, là nơi hình thành nhân cách, hun đúc lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của người lãnh tụ của nhân dân Nam Bộ nói riêng và nhân dân cả nước nói chung.

Khuôn viên khu di tích

Khuôn viên khu lưu niệm rợp bóng cây xanh, không khí mát mẻ, trong lành. Khu lưu niệm gồm 3 khu chính là đền tưởng niệm, nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Chủ tịch Tôn Đức Thắng và nhà lưu niệm thời niên thiếu của Bác Tôn.

2. Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Chủ tịch Tôn Đức Thắng (1888-1980) là Chủ tịch nước thứ hai và cuối cùng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Chủ tịch nước đầu tiên của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ca ngợi ông “là gương mẫu đạo đức cách mạng, suốt đời cần kiệm liêm chính, suốt đời hết lòng, hết sức phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”.

Tượng bán thân Chủ tích Tôn Đức Thắng bằng đồng

Chủ tịch Tôn Đức Thắng là biểu tượng cho hình ảnh đồng bào miền Nam trong công cuộc đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ông người đầu tiên được tặng thưởng Huân chương Sao Vàng, năm 1958. Cũng trong dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90, đoàn Chủ tịch Quốc hội Mông Cổ đã trao tặng Chủ tịch Tôn Đức Thắng Huân chương Xukhe Bato – Huân chương cao quý nhất của Mông Cổ. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên nhận được Giải thưởng Lê nin vì hòa bình và hữu nghị các dân tộc (năm 1955) và Huân chương Lê nin – năm 1967 do Chính phủ Liên bang Xô viết trao tặng.

3. Tham quan khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Đến Khu lưu niệm, du khách được tham quan, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của Chủ tịch Tôn Đức Thắng từ thời niên thiếu ở quê nhà, lúc ra đi hoạt động cách mạng cho đến những năm tháng cuối đời.

Đền tưởng niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng

Từ thành phố Long Xuyên, mất khoảng 15 phút đi phà thì đến Mỹ Hòa Hưng. Một khoảng không gian yên bình mở ra, theo con đường trải nhựa dài thẳng tắp, đi tiếp vài trăm mét sẽ tới Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng, vừa uy nghi, vừa giản dị. Bước vào khuôn viên khu di tích, du khách được tận hưởng không khí trong lành, mát mẻ rợp bóng cây xanh của dầu, sao, điệp, bằng lăng vốn là những loại cây quen thuộc với đời sống của người dân cù lao.

Đền tưởng niệm Bác Tôn

Ấn tượng nhất là Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Bất cứ ai đến tham quan ngôi nhà thời niên thiếu Bác Tôn từng sống, sẽ có cảm nhận về một thời tuổi thơ của Người ở nơi đây và hiểu được điều gì đã hun đúc nên ý chí người cộng sản kiên trung.

Nhà lưu niệm thời niên thiếu Chủ tích Tôn Đức Thắng

Ngôi nhà được xây theo kiểu nhà sàn ba gian, kiểu nhà truyền thống của người dân Nam bộ, có chân tán, cột gỗ, nền sàn lót ván, mái lợp ngói âm dương. Bên trong ngôi nhà còn lưu giữ nhiều hiện vật như bộ ngựa gỗ, tủ thờ cẩn ốc xà cừ… Phía sau ngôi nhà là phần mộ song thân của Bác. Dù đã được nhiều lần trùng tu, tôn tạo, nhưng khu này vẫn được bảo tồn nguyên trạng. Mỗi khu có một vẻ đẹp riêng, được thiết kế lồng ghép với hệ thống công viên, cây xanh, những con rạch nhỏ, cầu kiều, ao cá cùng với những con đường nội bộ thoáng mát và hài hòa với thiên nhiên.

Nhà trưng bày thân thế và sự nghiệp Bác Tôn

Từ hình ảnh bến đò Ô Môi in dấu chân Bác Tôn mỗi ngày đến trường, đến khi Bác làm thợ tại xưởng máy Ba Son, hình ảnh Bác Tôn kéo cao lá cờ đỏ trên cột chiến hạm France ủng hộ nước Nga xô viết, đến khi Bác Tôn tham gia cách mạng rồi bị thực dân Pháp kết án 20 năm tù và lưu đày tại nhà tù Côn Đảo…, nhưng Bác vẫn không ngừng hoạt động cách mạng.

Mô hình nhà sàn ATK
Chuyên cơ YAK 40 chở Bác Tôn vào Sài Gòn dự lễ mít tinh
Chiếc xe đưa rước Bác Tôn đi làm việc ở Hà Nội

Khu lưu niệm Bác Tôn đã trở thành một địa điểm lưu niệm quan trọng về Bác, đồng thời là nơi sinh hoạt văn hóa, văn nghệ – thể dục thể thao trong các ngày lễ hội và các ngày lễ lớn của đất nước…. Những hoạt động diễn ra ở đây mang tính chất thường kỳ, có ý nghĩa tuyên truyền, giáo dục truyền thống sâu sắc, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Bảng xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt phía ngoài cổng

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại Mỹ Hòa Hưng, tỉnh An Giang có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, du lịch. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng là di tích quốc gia đặc biệt.

Khu di tích lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng uy nghi mà giản dị
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung