Đền thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu – Dũng sĩ với những chiến công lưu danh sử sách

Trong lịch sử dân tộc ta, vương triều Lý đã có nhiều công lao với dân tộc. Công lao đầu tiên thuộc về vua Lý Thái Tổ và các bậc vua anh minh triều Lý. Đó là vai trò to lớn của các danh nhân, danh tướng triều Lý, trong đó có Đô Thống Lê Phụng Hiểu. Đền thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu thuộc khu Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, vốn được khởi dựng từ lâu đời, nhưng được trùng tu tôn tạo vào những năm gần đây.

Nội dung chính

1. Đền thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu ở đâu

Đền nằm ở khu Hòa Đình, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh.

Đền còn bảo lưu được nhiều tài liệu cổ vật quý giá phản ánh về người được thờ. Đặc biệt là hai bia đá có tên “Phả lục tam vị thánh” niên đại Thành Thái 13 (1901) và bia có tên “Sự tích bi ký” niên đại Tự Đức 33 (1880). Nội dung ghi chép về người được thờ là Đô Thống Lê Phụng Hiểu và hai danh triều Lý.

2. Kiến trúc đền thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu

Ngôi đền được khởi dựng từ thời Lý

Nằm trong thành phố Bắc Ninh, đền thờ Lê Phụng Hiểu là một di tích quan trọng. Ngôi đền được khởi dựng từ thời Lý, thờ ba nhân vật lịch sử là Lê Cả, Lê Hai và đặc biệt là Lê Phụng Hiểu. Dân trong làng hay gọi đó là đền thờ 3 thánh, hay còn gọi là đền Hòa Đình.

Đền Thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu

Đền có kiến trúc kiểu chữ tam truyền thống

Đền có kiến trúc kiểu chữ tam truyền thống thường thấy trong kiến trúc đền chùa. Gồm các tòa Tiền Tuế, Thiêu Hương, Hậu Cung. Toàn bộ ngôi đền được dựng bằng bộ khung gỗ lim, mái lợp ngói đắp nổi trang trí Long Ly Quy Phượng.

Ngôi đền hiện tại đã được tu sửa nhiều lần, phần lớn bị ảnh hưởng do sự tàn phá của chiến tranh và sự mai một của thời gian. Đền thờ Lê Cả, Lê Hai và Lê Phụng Hiểu nằm liền kề với ngôi đình làng có quy mô lớn đằng sau tạo thành một quần thể di tích. Một điều thú vị ở ngôi đền, đó là không chỉ thờ một vị thánh. Nơi đây còn thờ tự những người có công với nước và được hóa tại đây.

Hai tấm bia ghi công trạng những người được thờ phụng ở đền

Có 2 tấm bia có tên “Phả Lục Tam Vị Thánh”. Niên đại Thành Thái Thập Tam niên 1901. Và tấm bia Sự tích Bi Ký. Niên đại Tự Đức Tam Thập Tam Niên 1880. Chúng đã cho biết rất rõ lai lịch, công trạng những người được thờ phụng ở đền. Những thông tin về cuộc đời của Lê Phụng Hiểu gắn bó với những sự tích ở vùng đất Hòa Đình, Tiên Du, Kinh Bắc. Đây vốn là nơi ông lưu lạc thuở hàn vi tới khi làm quan. Cũng là nơi ông dựng trại chống giặc ngoại xâm. Nên đã lập ông làm Thành Hoàng làng.

Đền thờ Lê Phụng Hiểu là một di tích quan trọng

3. Truyền thuyết về Lê Phụng Hiểu

Lê Phụng Hiểu là người khoẻ mạnh, võ nghệ hơn người

Lê Phụng Hiểu sinh ngày 8 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (982) tại làng Băng Sơn, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Ngay từ thuở nhỏ, ông rất yêu thích ham mê các môn võ thuật như: đấu quyền, múa kiếm, ném đao. Ông lớn lên là người khoẻ mạnh, võ nghệ hơn người. Vua Lý Thái Tổ nghe được tin này, đã cho người vời ông vào kinh đô Thăng Long và thăng đến chức Vũ Vệ Tướng Quân.

Là người có công dẹp loạn Tam Vương

Năm 1028, Lý Thái Tổ mất, triều đình thực hiện di huấn của vua là phò Thái tử Phật Mã lên ngôi (tức vua Lý Thái Tông). Nhưng ba vương là Đông Chinh Vương, Dực Thánh Vương và Vũ Đức Vương, đã kéo quân của phủ mình vào bao vây cấm thành Thăng Long để làm loạn (sử cũ gọi là loạn Tam Vương).

Tranh vẽ Lê Phụng Hiểu

Thái Tử Phật Mã từ cửa Trương Phù vào đến điện Càn Nguyên biết là có biến, bèn sai người đóng hết các cửa điện, rồi bảo rằng: “Ta đối với anh em không phụ bạc, nay ba vương làm việc bất nghĩa như thế, quên di huấn của tiên đế muốn mưu chiếm ngôi báu, các ngươi nghĩ thế nào?”. Mọi người trong nội cung xin ra đánh một trận quyết được thua. Lê Phụng Hiểu một mình một ngựa xông thẳng đến cửa Quảng Phúc chém chết Vũ Đức Vương, quân của Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương sợ quá bỏ chạy.

Dẹp xong loạn Tam Vương, ngôi vua được bảo vệ, vua Lý Thái Tông bèn phong cho Lê Phụng Hiểu chức “Đô Thống”.

Tượng đài Lý Thái Tổ ở Bắc Ninh

Sau đó, ông còn nhiều lần cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành và đều chiến thắng mới trở về. Ông sống hết lòng trung thành với vua, biết điều gì có lợi cho dân cho nước đều bàn với vua. Ông thọ 77 tuổi, sau khi mất nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ.

4. Sự tích “Thác đao điền”

Năm 1044, quân Chiêm Thành sang xâm lược nước ta, Đô Thống Lê Phụng Hiểu hộ giá nhà vua đi đánh giặc. Khi chiến thắng trở về, vua ban thưởng chức tước và bổng lộc cho ông. Nhưng ông chỉ xin trèo lên núi Băng Sơn ném con đao lớn ra xa và rơi xuống chỗ nào thì xin cho làm thực ấp đến đó. Vua bằng lòng, ông lên núi Băng Sơn quăng con đao ra xa hơn 10 dặm rơi xuống tận làng Đa Mi, được vua ban cho ruộng đất ấy làm “thực ấp” và từ đó có tục “Thác đao điền”.

Ngày nay, một số hương ước và tục lệ vẫn được người dân gìn giữ và truyền từ đời này sang đời khác. Như một cách bày tỏ sự tôn kính với Lê Phụng Hiểu và những người được thờ tự.

5. Tục lệ Khánh tiết

Chỉ những người trong ban Khánh Tiết mới được vào đền

Theo lệ cũ, người con trai (xuất đinh) có hộ khẩu chính thức ở làng đến 50 tuổi phải ra hầu làng, gọi là Khánh Tiết. Cửa đền chỉ mở khi có dịp quan trọng và chỉ những người trong ban Khánh Tiết mới được vào bên trong, trông coi và chăm sóc.

Trước khi bước vào đền, người trong ban Khánh Tiết phải vệ sinh sạch sẽ bằng cách tắm rửa nước gừng. Chỉ có một số người mới được phép vào hậu cung làm lễ tắm rửa, vệ sinh cho tượng thờ. Khi đi không được quay lưng vào ban thờ, đi lùi khi muốn ra ngoài. Tất cả thể hiện sự tôn nghiêm với bậc thánh thần.

Những dịp lễ quan trọng của người Hòa Đình

Đối với những người Hòa Đình thì một năm sẽ có 4 dịp lễ quan trọng. Với những ngày sinh nhật các thánh Lê Cả, Lê Hai là mùng 6 tháng 2 Âm lịch. Và sinh nhật thánh Lê Phụng Hiểu mùng 8 tháng Giêng Âm lịch sẽ là dịp lễ tế và ca hát của cả làng. Còn với những ngày giỗ Lê Cả, Lê Hai và Lê Phụng Hiểu thì chỉ được tế lễ.

Đô Thống Lê Phụng Hiểu người có nhiều công lao với vương triều Lý

6. Lễ hội đền Hoà Đình

Đền Hoà Đình từ lâu đời còn nổi tiếng trong dân gian với lễ hội truyền thống. Lệ xưa, hàng năm cứ đến mùng 6-2 (âm lịch) đền đình Hoà Đình lại được mở hội.

Phần Lễ

Ngay từ mùng 5, dân làng tổ chức rước sắc phong từ điếm Trung Quân về đình và rước ngai kiệu từ đền sang đình để tế lễ. Đám rước sắc đầy đủ cờ kiệu, tàn lọng, siêu lọng, bát bửu, chiêng trống. Đến chiều ngày mùng 5 làm lễ “nhập tịch”. 

Phần Hội

Trong những ngày lễ hội, sau phần lễ là phần hội với các trò chơi dân gian như: vật, đu cây, tuồng chèo, quan  họ… Đặc biệt, sáng ngày mồng 6 có tục “vật thờ”: Làng chọn 2 cụ trong làng còn khoẻ đẹp, gia đình êm ấm để “vật thờ”. Ngay sau đấy, thanh niên trong làng và các xới vật các nơi đến tham gia thi vật. Giải thưởng tuy không lớn lắm. Nhưng những người thắng cuộc được coi là may mắn cả năm. Tục này có liên quan đến tín ngưỡng thờ Lê Phụng Hiểu là những người giỏi võ nghệ.

Đô Thống Lê Phụng Hiểu người có nhiều công lao với vương triều Lý. Tên tuổi và công trạng của ông không những được sử sách lưu danh, mà còn được dân gian truyền tụng. Kinh Bắc – Bắc Ninh từng là nơi ông lưu lạc thuở nhỏ và đóng quân đánh giặc. Nên nhiều làng xã đã thờ ông làm Thành hoàng làng. Tiêu biểu là đền Hòa Đình – ngôi đền đã có lịch sử hàng trăm năm. Từ lâu, nơi đây đã là chốn linh thiêng thể hiện sự tôn kính với bậc tiên hiền của người dân trong vùng. Đi du lịch Bắc Ninh, bạn hãy ghé thăm ngôi đền này nhé!

Đền thờ Đô Thống Lê Phụng Hiểu – Dũng sĩ với những chiến công lưu danh sử sách
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung