1. Lễ hội chùa Chân Tiên tổ chức ở đâu, khi nào
Theo tục truyền, cứ vào ngày mồng 3 tháng 3 Âm lịch hàng năm, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh sẽ kết hợp với các cấp chính quyền địa phương để tổ chức lễ hội chùa Chân Tiên, tại ngôi chùa Chân Tiên tọa lạc tại xã Thịnh Lộc, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.


2. Vài nét về chùa Chân Tiên
Lịch sử chùa Chân Tiên
Chùa Chân Tiên toạ lạc trên núi Tiên Am, nằm cách tảng đá có dấu chân tiên chừng 5 km về phía tây nam nên có tên chùa. Chùa Chân Tiên được xây dựng ở thời nhà Trần (ở thế kỷ 13). Trong quá trình lịch sử có nhiều biến đổi, ngôi chùa này đã được tu sửa lại ba lần. Đây là một công trình có kiến trúc hài hòa, gồm có 2 toà thờ Phật Tổ và thờ Thánh Mẫu.

Toà thờ Phật rộng 50,22m2, kiến trúc theo lối tứ trụ, 3 gian, 4 cột chính. Trước mặt phía trên có tấm biển ” Chân Tiên Tự “. Hai bên hiên có tượng quan văn quan võ. Toà Thánh Mẫu gọi là điện Thánh Mẫu, rộng 56 m2gồm: Thượng điện, Kiệu Long Đình và Bái Đường. Từ bái Đường đi vào có tấm biển Tạ Phúc Đường (Nhà cầu phúc), rồi đến Kiệu Long Đình, nơi đặt hương hoa đồ lẽ của khách viếng. Thượng Điện có tấm biển “Thiên hạ Mẫu Nghi ” (Mẹ hiền trong thiên hạ), ngoài bài vị Thánh Mẫu, 2 bên hành lang thờ thuộc hạ của Thánh Mẫu.

Trong chùa có 13 pho tượng Phật bằng gỗ mít, 2 con hạc sứ, kiệu thờ và nhiều đồ thờ, hoành phi câu đối. Là di tích dã xếp hạng quốc gia.
Câu chuyện tâm linh kỳ bí
Tương truyền, tiên nữ xin phép Mẫu Cửu Trùng xuống hạ giới đã chọn đỉnh Tiên An làm nơi dừng chân. Một số tiên nữ chọn vãn cảnh, xuống hồ nước tắm, rủ nhau lên tảng đá quanh hồ đánh cờ. Một số khác say sưa với cảnh sắc tuyệt đẹp nên không chịu rời đi.

Tuy nhiên, có một nàng tiên mải đuổi theo con bướm vàng 6 cánh mà vô tình giẫm phải lông nhím. Vì vậy, chân nàng bị đau nên đã cưỡi ngựa về trời. Trước khi đi, các cô tiên khác đã dùng nước suối Ngọc để rửa chân cho nàng và vết chân đã in hằn từ đó.

Chùa Chân Tiên – Di tích lịch sử cách mạng
Trong chùa Chân Tiên ngày nay vẫn còn lưu giữ các hiện vật thờ tự rất quý hiếm như: các lư hương, trống, pho tượng Phật, cờ Phật, hương án… Chùa Chân Tiên không chỉ là một địa danh du lịch nổi tiếng, mà nơi đây còn là một di tích lịch sử cách mạng. Chùa Chân Tiên đã được người đời mệnh danh là “Am tiên đệ nhất danh lam”, năm 1992 đã được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia.

Bàn Chân Tiên, Bàn Cờ Tiên
Giữa núi Tiên Am có một khối đá bằng phẳng, trên mặt đá in sâu 1 dấu bàn chân phải của người khổng lồ, góc lõm dấu chân sâu xuống 35 cm, chiều dài bàn chân từ gót đến ngón chân cái dài 85 cm, mũi bàn chân hướng về phía nam. Người đời gọi đó là Bàn Chân Tiên. Cạnh đá Chân Tiên có một mặt đá phẳng, trên mặt đá có đường kẻ ngang kẻ dọc gần như ô bàn cờ người đời gọi là Bàn Cờ Tiên.

3. Ý nghĩa của lễ hội chùa Chân Tiên
Lễ hội nhằm nhắc nhở người dân nơi đây và du khách nhớ ơn các vị anh hùng đã có công dựng nước, cầu nguyện cho phúc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc no ấm.

4. Lễ hội chùa Chân Tiên
Lễ hội chùa Chân Tiên có 2 phần chính: Phần lễ và phần hội, phần lễ được tổ chức trang nghiêm, mang đậm bản chất truyền thống. Sau phần lễ, phần hội được tổ chức với các trò chơi như kéo co, đua thuyền, đánh cờ, bóng chuyền, thi cắm trại…


Về với lễ hội Chân Tiên du khách không chỉ cầu tài, cầu lộc, nhớ ơn người có công với nước, mà còn được thưởng ngoạn danh lam thắng cảnh, tọa lạc trên đỉnh núi Hồng, được tận mắt chiêm ngưỡng vẻ đẹp của dãy núi xứ Nghệ hùng vĩ 99 đỉnh mây mờ huyền ảo và thơ mộng.