Lễ hội Hang Bua phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An

Lễ hội Hang Bua là ngày lễ truyền thống của người dân tộc ở huyện Quỳ Châu nói riêng và Tây Bắc Nghệ An nói chung. Ngày lễ nhằm tưởng nhớ công ơn người đã có công lập bản Mường. Lễ hội này có gì đặc sắc? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu ở bài viết sau nhé!

Nội dung chính

1. Hang Bua ở đâu

Hang Bua (Thẳm Bua) nằm trong dãy núi Phà Én, thuộc bản Hồng Tiến 2, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu. Đây là di tích lịch sử, danh thắng có nguồn gốc lâu đời, gắn liền với quá trình hình thành bản mường của đồng bào Thái ở vùng Chiềng Ngam nói riêng và Quỳ Châu nói chung. 

Dưới “bàn tay” đắp nặn của tự nhiên, Hang Bua có vô vàn thạch nhũ tạo hình bồ lúa, dàn cồng chiêng, giường công chúa, chậu nước, ruộng lớn, ruộng nhỏ, một số hình người.

Hang Bua

Hang Bua còn là một trong những di chỉ khảo cổ học của tỉnh Nghệ An. Hang Bua gồm 2 cửa là Hang Lớn (Thẩm Ôm) nằm ở phía bắc và Hang Bé (Thằm Nội) nằm ở phía đông nam. Trước mặt hang bua là một thung lũng rộng đầy cây cối xanh tươi và có bản làng sầm uất. Ngay trước cửa hang lớn có hai tảng đá hình giống hai con ếch đang nằm cạnh cửa hang. Trong lòng hang rộng có nhiều măng đá, nhũ đá với các hình thù sống động làm cho du khách ngắm nhìn mãi không chán.

Hàng ngàn người tham gia lễ hội

2. Lễ hội Hang Bua tổ chức thời gian nào

Lễ hội được tổ chức vào ngày 18-19 tháng 1 âm lịch tại Hang Bua, thuộc xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An. Lễ hội Hang Bua là lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói riêng và vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung, nhằm tưởng nhớ công ơn những người có công khai bản lập mường.

3. Truyền thuyết lễ hội Hang Bua

Dưới “bàn tay” đắp nặn của tự nhiên, Hang Bua có vô vàn thạch nhũ tạo hình bồ lúa, dàn cồng chiêng, giường công chúa, chậu nước, ruộng lớn, ruộng nhỏ, một số hình người. Dân gian lưu truyền: Xa xưa, có một nàng công chúa và những người dân Phủ Quỳ vào hang trú ẩn, tránh trú cuộc giao tranh giữa thần núi – thần nước và đã hóa đá. Trong cuộc giao tranh đi vào truyền thuyết đó, thần núi đã chiến thắng và che chở cho muôn dân. Để tưởng nhớ công ơn của thần núi, hàng năm vào mỗi độ Xuân về, người dân quanh vùng lại tụ hội về đây lễ tế, cầu mong mưa thuận gió hòa.

Các trò chơi dân gian tại lễ hội Hang Bua

4. Lễ hội Hang Bua

Trong Lễ hội Hang Bua (Thẳm Bua), những nghi lễ mang đậm nét văn hoá tâm linh gồm: Lễ yết tế, Lễ đại tế  cáo yết thần linh và những người có công dựng bản lập  mường được tổ chức và hành lễ rất trang nghiêm do vị Mo cả chủ trì. Với đầy đủ các phẩm vật tế lễ truyền thống ngay tại đền Tạ Bọ trên ngọn núi cao trong khu vực lễ hội. 

Phần thi bắn nỏ giữa các đơn vị trên địa bàn huyện

Phần hội cũng được tổ chức đa dạng phong phú với những hoạt động văn hóa văn nghệ thể thao, những hội thi, trò chơi mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc… thu  hút đông đảo  người dân và du khách. Trong rộn rã nhịp chày Khắc luống, những tà váy áo Thái thướt tha trong bước nhảy sạp tưng bừng…

Múa sạp

Nhiều cuộc thi làm nghề thủ công diễn ra sôi nổi trong tiếng trống, tiếng hò reo cổ vũ của người xem. Trong lễ hội, không thể thiếu những cuộc trình diễn văn hóa ẩm thực với mâm cơm dân dã mang đậm dấu ấn Thái. Với những món ăn được chính những người phụ nữ Thái chế biến từ những vật phẩm núi rừng để lại những ấn tượng không thể  phai ngay cả với những du khách dù khó tính đến cỡ nào…

Một chút hương vị của gói Họ mọc làm từ bột nếp trộn thịt gà băm nhỏ  bọc lá chuối rừng hông chín, những xâu  Pá pình (cá nướng) những ống Pá xôm (cá chua), thịt chua, thịt nướng lá bưởi, lá chanh, bát cánh ột thơm lựng, cơm lam, chẻo bón, chẻo môn…  nhiều lắm,  chỉ mới sơ sơ đã có đến 17 món ăn được bày biện trong một mâm cơm Thái ngày hội.

Phần thi ẩm thực văn hóa Thái luôn thu hút du khách và người dân

Ngày nay, Lễ hội Hang Bua được tổ chức hàng năm, hướng tới mục tiêu phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An nói chung và đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Châu nói riêng; nhằm thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ và giao lưu văn hóa giữa các vùng miền của nhân dân; tạo nên các hoạt động vui chơi để người dân tham gia, đáp ứng nhu cầu tham quan của du khách.

Môn thể thao truyền thống đẩy gậy

Lễ hội được tổ chức theo phong tục của đồng bào Thái, luôn đảm bảo tính trang nghiêm, an toàn tiết kiệm; huy động đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, đóng góp theo phương châm xã hội hóa. Đến với Hang Bua ngày lễ hội, hàng vạn du khách đã được thưởng ngoạn những cảnh đẹp thơ mộng và thực sự được sống cùng những thuần phong mỹ tục, những giá trị văn hóa độc đáo của cư dân đã và đang sinh sống ở vùng đất này thông qua các hoạt động tâm linh, hoạt động văn hóa đặc sắc mang tính truyền thống, riêng biệt của đồng bào Thái như dân ca, dân nhạc, dân vũ, các môn thể thao, trò chơi dân gian, ẩm thực…

Đông đảo người dân tham gia lễ hội

Nghệ An có nhiều lễ hội như lễ hội đền Cồn, lễ hội sông nước Cửa Lò, lễ hội uống nước nhớ nguồn…, nhưng lễ hội Hang Bua vẫn thu hút được nhiều người hơn cả. Đó là những giá trị tốt đẹp của văn hóa dân gian cần được gìn giữ và phát triển.

Lễ hội Hang Bua phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc Nghệ An
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung