1. Thời gian và nơi diễn ra Hội Phết Hiền Quan
Hội Phết Hiền Quan là lễ hội dân gian được tổ chức vào ngày 12-13 tháng Giêng tại xã Hiền Quan, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ và tôn vinh công lao của nữ tướng Thiều Hoa Công chúa – Đức Thánh Mẫu Đại Vương.
2. Ý nghĩa Hội Phết Hiền Quan
Hội Phết Hiền Quan nhằm tưởng niệm công chúa Thiều Hoa
Hội làng Hiền Quan với một loạt nghi lễ và trò diễn liên hoàn. Nổi bật nhất là trò cướp Phết. Nhằm tưởng niệm và diễn lại trò luyện quân đánh giặc của Thiều Hoa công chúa. Hội cướp Phết không chỉ mang giá trị lịch sử mà còn thể hiện một tinh thần thượng võ rất cao.
Hội Phết Hiền Quan thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc
Hội Phết Hiền Quan đã trở thành truyền thống, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc. Hội diễn tả lại cảnh luyện tập võ nghệ thuở xưa với khí thế hào hùng của dân tộc ta trong quá trình dựng và giữ nước những năm đầu công nguyên.
Ngoài ra, Hội Phết Hiền Quan với trò chơi “cướp Phết” còn là môn thể thao có tính văn hóa cao trong việc bồi dưỡng thể lực, trí lực cho con người.
3. Nguồn gốc Hội Phết Hiền Quan
Hội Phết Hiền Quan được tổ chức từ ngày 12 đến 13 tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Lễ hội nhằm tôn vinh công lao và tưởng nhớ Thiều Hoa công chúa.
Nữ tướng Thiều Hoa sinh ngày mùng 2 tháng Giêng năm Quý Tỵ. Bà sinh ra trong một gia đình nghèo ở Động Lăng Xương, huyện Thanh Chương, xứ Hưng Hóa (nay là huyện Thanh Thủy, Phú Thọ). Sau khi cha mẹ qua đời, bà quyết định dời Động Lăng Xương bước chân vào phận tu hành.
Qua nhiều nơi bà chọn chùa Phúc Khánh, làng Song Quan (chính là đình Hiền Quan hiện nay) làm điểm dừng cuối cùng. Khi đất nước bị xâm chiếm, bà đến ứng nghĩa dưới là cờ của Hai Bà Trưng.
Thiều Hoa nhiều lần xông pha ra chiến trường đánh giặc Hán đều toàn thắng trở về. Bà được Hai Bà Trưng phong cho là Đông Cung Công Chúa. Sau khi bà mất, dân làng lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn của bà.
4. Những nội dung hấp dẫn trong Hội Phết Hiền Quan
Hội Phết Hiền Quan gồm bốn phần, gồm: rước kiệu, tế lễ, kéo quân, đánh Phết…
Lễ rước kiệu
Lễ rước kiệu được tiến hành từ chiều 12 tháng Giêng. Trên kiệu là các sắc phong, bài vị, quả Phết, quả Chúi được cất giữ trong cung cấm của đình làng từ ngày 10/10 Âm lịch.
Quả Phết trước đây được đẽo gọt rất kì công từ củ tre. Đòn Phết là gốc tre cong khoằm kiểu guốc võng. Cán là thân cây tre liền gốc, đòn Phết dài khoảng 1,5 m. Nhưng ngày nay đã được tiện bằng gỗ tròn, đường kính khoảng 10 cm, sơn màu đỏ được đặt trang trọng trong các hộp gỗ để bên trên kiệu. Quả Chúi cũng được làm bằng gỗ nhưng nhỏ hơn quả Phết.
Kiệu được khiêng từ đình ra đền do các binh sĩ mình mặc áo giáp hộ tống.
Phần tế lễ
Sau lễ rước kiệu là phần tế lễ. Tham gia tế lễ là các bậc trưởng lão trong làng. Văn tế được viết trong các sắc phong với mong muốn cầu bình an, mùa màng bội thu và cầu cho gia đình luôn dồi dào sức khoẻ để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Lễ kéo quân
Sau ba tuần rượu tế là đến lễ kéo quân. Trước lễ kéo quân, đoàn binh sĩ cùng chầu trước cửa đền để nghe chỉ dụ, sau đó chia hai ngả, miệng hô vang cả một góc trời.
Lễ kéo quân được chia thành hai đoàn, mỗi đoàn có từ 100 đến 200 người tham gia. Đi đầu mỗi đoàn là ông trưởng lão, mình quấn khố vàng, đầu chít khăn đỏ, tay cầm cờ nheo, miệng hô vang biểu thị sự oai phong của đoàn quân. Tiếp đó là đội trống cái, trống con gõ theo nhịp phách.
Đoàn binh sĩ nam có, nữ có, mình mặc áo giáp vàng, đầu đội nón lá, chân quấn xà cạp, đeo giày mũi hài, tay cầm long đao cờ xuý. Khi đoàn quân gặp nhau thì binh sĩ tha hồ tranh cướp cờ, long đao.
Đoàn nào cướp được nhiều coi như đoàn đó thắng, rồi lại về chầu trước sân đền để nhận chỉ. Cứ như vậy, lễ kéo quân được diễn đi diễn lại ba vòng rồi lại tề tựu giữa sân đền cùng hò reo vui mừng chiến thắng.
Lễ ném Phết
Lễ kéo quân kết thúc cũng là lúc bắt đầu lễ ném Phết. Đây là phần lễ hội sôi động, náo nhiệt, thu hút rất nhiều người tham gia.
Cuộc thi được bắt đầu khi quả Phết, quả Chúi đã nằm trong hố
Sau khi ông thủ Phết đọc bài hò trong thời gian chừng 5-7 phút, thì tung quả Phết, quả Chúi trên tay mấy lần rồi tung xuống hố (còn gọi là Lò Phết). Hố Phết sâu chừng 50-70 cm đường kính rộng chừng 60 cm. Khi quả Phết, quả Chúi đã nằm trong hố, ấy là lúc cuộc thi bắt đầu.
Các đấu thủ cầm dùi Phết đua nhau chen vào moi quả Phết, quả Chúi ở dưới hố lên. Cùng với tiếng chiêng trống là những tiếng “cốp, cốp” của các dùi Phết va vào nhau.
Cướp Phết, Chúi quyết liệt
Khi quả Phết, quả Chúi đã được moi dưới hố lên thì mọi người đua nhau dùng sức lực của mình vào cướp, ném về phía phe của mình đang đứng. Khi Phết đã gần về phía đích của phe nào đó trong làng thì cả biển người đổ xô về hướng đó. Tiếng reo hò vang động như sóng dậy triều dâng, át cả tiếng chiêng trống bên ngoài.
Nếu ai cướp được quả Phết mà không có người nào đuổi theo hoặc có người đuổi theo nhưng không chạm được vào người cầm quả Phết thì được coi là thắng cuộc; người nào phe nào giành được Phết thì năm đó được coi là năm may mắn với họ. Mỗi hội Phết thường chỉ ném 3 quả Chúi, 6 quả Phết.
Hội Phết Hiền Quan đã trở thành truyền thống thể hiện tinh thần thượng võ với lòng dũng cảm, mưu trí của dân tộc. Hội Phết diễn tả lại cảnh tập võ nghệ đầy khí thế hào hùng trong cái suốt quá trình dựng và giữ nước của dân ta. Lễ hội phần nào phản ánh triết lý “Sinh vi danh tướng, tử vi thần.”
Hội Phết Hiền Quan là lễ hội tiêu biểu trong kho tàng văn hoá, dân gian vùng đất Tổ. Hội mang đậm dấu ấn tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp vùng đất Tổ. Đồng thời, mang tính tưởng niệm sâu sắc. Bởi nó được đặt trong một hệ thống các lễ nghi và trò diễn liên kết. Có dịp đi du lịch Phú Thọ, bạn hãy tham gia Hội và tận mắt chứng kiến trò cướp Phết thật độc đáo này nhé!