Khám phá vùng “địa linh nhân kiệt” nức tiếng: Thất Sơn Bảy Núi

Thất Sơn được mệnh danh là vùng “địa linh nhân kiệt” nổi tiếng thuộc tỉnh An Giang. Nơi đây gắn liền với rất nhiều câu chuyện ly kỳ được truyền miệng qua nhiều thế hệ. Trong đó, cái tên Thất Sơn nghĩa là 7 ngọn núi cũng góp phần thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Nội dung chính

1. Vì sao Thất Sơn chỉ nhắc đến 7 ngọn núi tiêu biểu

Thất Sơn còn có tên khác là Bửu Sơn hoặc Bảy Núi, nằm tại huyện Tịnh Biên và Tri Tôn của An Giang. Nơi đây sở hữu ba mươi bảy ngọn núi nằm không liên tục trên hai huyện trên. Tuy nhiên người ta chỉ nhắc đến 7 ngọn núi tiêu biểu. Việc tại sao lại chọn 7 ngọn này thì hiện nay vẫn là vấn đề tranh cãi của các nhà sử học.

Thất Sơn hay còn gọi là Bảy Núi

Có người cho rằng, việc này có ảnh hưởng từ các yếu tố phong thủy và thần bí, có vài người đoán nguyên nhân là do 7 ngọn nằm ngay 7 linh huyệt của vùng đất này. Mặc dù có nhiều giả thuyết đưa ra nhưng đến bây giờ chưa có giả thuyết nào đáng tin để chứng minh được vấn đề này.

Vùng đất có núi, có sông, có hồ và đồng bằng rộng lớn

Đồi núi tại Thất Sơn được chia thành hai loại chính: núi thấp và núi dốc, nơi đây được thiên nhiên ban tặng những phong cảnh với vô vàn cảnh sắc kết hợp hài hòa với nhau làm lòng người xao xuyến. Từ hồ nước, núi non, đồng lúa xanh hay màu vàng khi lúa chín nặng hạt… Tất cả tạo nên khung cảnh thanh bình, yên ả nhưng rất hùng vĩ mà ít nơi nào có được.

Thất Sơn non nước hữu tình

2. Khám phá 7 ngọn núi trong dãy Thất Sơn An Giang

Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn)

Địa chỉ: xã Cô Tô, huyện Tri Tôn

Núi Cô Tô là một trong bảy ngọn núi nằm trong dãy Thất Sơn, còn có tên gọi khác là Phụng Hoàng sơn gắn liền với truyền thuyết từ thời xưa có nhiều chim phượng hoàng hay bay xuống chơi nên trên đỉnh núi, đến nay vẫn còn lưu lại dấu chân. Tên gọi tắt của nơi này là núi Tô, tên Khmer là Phnom-Ktô.

Đây cũng được xem là một trong những ngọn núi đẹp của Bảy Núi An Giang với chiều cao 614m, dài 5.800m, rộng 3.700m. Núi Cô Tô vừa nằm ở khu vực bán sơn địa vừa có cấu tạo địa chất đặc biệt nên bên trong núi có cả hệ thống hang động ngầm như tổ ong lớn, rất kiên cố và vô cùng vững chắc.

Núi Cô Tô mang vẻ đẹp hoang sơ nhưng kỳ vĩ

Hơn thế nữa, núi Tô còn có nhiều ngọn đồi và hồ nước mà ấn tượng nhất chính là đồi Tức Dục và hồ Soài So An Giang. Ngoài ra còn có một số địa điểm du lịch An Giang hấp dẫn khác như Mũi Tàu, Mũi Hải, Vồ Hội lớn, Vồ Hội nhỏ, suối Cây giông, Pháo đài và nhất là Bàn chân tiên. Tất cả những điều này khiến khu vực núi Tô có nhiều điểm đáng tham quan, du ngoạn hơn các ngọn khác của dãy Thất Sơn.

Hồ Tà Pạ tuyệt đẹp trên ngọn núi Cô Tô

Núi Ông Cấm (Thiên Cấm Sơn)

Địa chỉ: xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Núi Cấm còn được khách du lịch An Giang và người dân địa phương gọi với tên khác là Núi Ông Cấm hay Thiên Cấm sơn hoặc Thiên Cẩm Sơn. Còn tên Khmer của ngọn núi này là Pnom ta piel hay Pnom po piêl.

Núi Cấm nằm trên địa bàn xã An Hảo, huyện Tịnh Biên và chỉ cách trung tâm thành phố Long Xuyên chưa đầy 90km, cách thị xã Châu Đốc không quá xa. Để đến được địa điểm du lịch miền Tây nổi tiếng này, bạn chỉ cần đi ven theo Quốc lộ 91 rẽ qua tỉnh lộ 948 là được.

Núi Cấm có độ cao 705 m và rộng 28.600 m, với đỉnh Bồ Hong được xem là cao nhất trong vùng Bảy Núi An Giang nói riêng và vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.

Núi Cấm được quy hoạch thành khu du lịch sinh thái, tâm linh

Núi Cấm từ lâu đã nổi tiếng điểm du lịch An Giang thu hút vì mang dáng vẻ hùng vĩ, cây cối xanh tươi bao phủ. Ngay từ dưới chân núi, theo hướng Đông là khu du lịch Lâm Viên, với diện tích lên đến 100 ha với cảnh quan đẹp và đa dạng. Trên đường từ chân núi lên đỉnh núi, có nhiều lối mòn dẫn đến nhiều điểm tham quan khác nhau như suối Tiên, suối Thanh Long, điện Cây Quế, điện Tam Thanh, điện Huỳnh Long, điện Mười Ba, động Thủy Liêm, hang Ông Thẻ, hang Ông Hổ, hang Bác Vật Lang.

Nếu ngại leo núi vất vả thì bạn cũng có thể đi cáp treo để được thỏa sức ngắm nhìn đồng ruộng, làng mạc từ trên cao. Đặc biệt hơn nữa là trên núi có nhiều công trình tôn giáo ấn tượng tạo thành quần thể kiến trúc tâm linh ở độ cao trên 800m như chùa Vạn Linh, chùa Phật Lớn, tượng Phật Di Lặc lớn nhất Đông Nam Á với lòng tượng là cả một thiền viện, Cao Đài Tự,…

Chùa Vạn Linh nằm trong quần thể du lịch Núi Cấm

Ngoài các điểm du lịch hấp dẫn, Thiên Cấm Sơn còn là nơi đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế với tài nguyên thiên nhiên đa dạng như đá xây dựng, cát núi, đất sét cao-lanh và nhất là nước khoáng thiên nhiên…

Đặc sắc hơn nữa là nền ẩm thực đặc trưng của khu vực này với nhiều loại trái cây rừng như dâu núi hoặc món bánh xèo ăn cùng rau rừng là say lòng bao du khách ghé thăm.

Núi Tượng (Liên Hoa Sơn)

Địa chỉ: thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn

Gọi là núi Tượng vì nếu nhìn từ phía xa, trông nơi này giống hệt hình dạng chú voi. Trong số 7 ngọn núi của dãy Thất Sơn thì núi Tượng được xem là vùng đất thiêng liêng, có ý nghĩa lịch sử vì đã chứng kiến cuộc thảm sát tàn bạo của quân Pôn Pốt xưa kia.

Núi Tượng yên bình

Liên Hoa Sơn (tên gọi khác của núi Tượng) có độ cao 145m, dài 600m, chu vi 3.825m. Đây là ngọn núi khá thấp và nhỏ trong khu Bảy Núi An Giang. Tọa lạc giữa trung tâm thị trấn Ba Chúc, nhưng đường đi đến núi này khá khó khăn. Vì ít có giá trị du lịch nên chưa có đường nội bộ chạy xe lên như các núi khác, chỉ có thể đi theo đường mòn, cỏ mọc um tùm, có khi lấp cả lối đi. Dù vậy trên núi có nhiều tre nên khá mát mẻ, trong lành.

Núi Tượng nằm ở thị trấn Ba Chúc, Tri Tôn

Anh Vũ Sơn (núi Ông Két)

Núi Anh Vũ Sơn nằm cách chợ Nhà Bàng khoảng 2,5km, về hướng huyện Tri Tôn. Ngọn núi này có độ cao là 225m, dài 1.100 m. Điểm thú vị của ngọn núi có cái tên khá lạ trong khu vực Bảy Núi An Giang này là còn giữ được nét hoang sơ.

Người ta gọi nơi này là núi Két vì nếu đi từ chân núi lên độ cao một trăm mét, bên phía vách phía tây gần đỉnh có một tảng đá khổng lồ nằm nhô ra có hình dạng như đầu một con chim két (còn gọi là chim anh vũ).

Ở khu vực chân núi Ông Két, có ba di tích được khách du lịch thăm viếng và chiêm bái nhiều hơn cả, là Đình Thới Sơn, chùa Thới Sơnchùa Phước Điền. Đây cũng là điểm hành hương và địa điểm du lịch Tri Tôn nổi tiếng vì thờ các vị tiền hiền, gắn liền với thời lưu dân đi mở đất cũng như giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương.

Núi Ông Két có mỏm đá hình mỏ két

Theo lời kể của cư dân địa phương thì đường lên đỉnh do người dân lên núi kiếm củi đi dần mà tạo thành. Đến nay, vẫn còn ít người qua lại nơi này nên khung cảnh rừng núi còn nguyên sơ, thanh tịnh và trong lành. Hiện tại, đường lên núi Két dài khoảng 600 m và đã được xây bậc thang, có hành lang an toàn.

Trên đường lên núi có một số phiến đá mang hình dáng tự nhiên rất đẹp, trong số đó có tảng đá tựa như chiếc thuyền độc mộc trên lưng chừng núi. Một số điểm tham quan thu hút ở lưng chừng núi là Giếng Tiên, Sân Tiên, điện Phật Thầy, điện Chư Thần, điện Phật Mẫu, điện Ngọc Hoàng, điện Huỳnh Long, điện Ba Cô, điện U Minh, điện Chư Vị Năm Non Bảy Núi và cuối cùng, tiêu biểu nhất, khi bạn đã chinh phục được đỉnh núi, chính là “mỏ ông Két” gắn liền với nhiều truyền thuyết dân gian. Càng đi gần đến đỉnh núi, du khách sẽ càng được ngắm bao quát cả một vùng đồi núi tuyệt đẹp phía xa xa với từng thửa ruộng xanh mướt.

Núi Dài lớn (Ngọa Long Sơn)

Núi Dài Lớn nằm trên địa bàn của 3 xãChâu Lăng, Lương Phi, Lê Trìmột phần của thị trấn là Ba Chúc về phía Tây, huyện Tri Tôn. Núi cao 580m, dài khoảng 8.000m, còn được gọi là Ngọa Long Sơn (tức núi rồng nằm) là núi dài nhất trong khu Bảy Núi An Giang.

Nhìn bao quát, núi thuộc dạng hình dốc lớn, nghiêng đến 25 độ và được cấu tạo chủ yếu bằng đá cứng pha nhiều tạp chất khác nhau như đá núi lửa và đá Granitoit có tuổi Jura thượng, đá Granite có tuổi Creta.

Núi Ngọa Long Sơn

Hiện tại, núi Dài mang giá trị kinh tế cao vì là nơi có nhiều loại gỗ quý như dầu, quế, gõ mật, căm xe, lăng ổi, bời lời,… Đây cũng là ngôi nhà chung của một số loại chim và thú rừng quý hiếm.

Bên cạnh đó, trên núi cũng có rất nhiều nương rẫy, vườn cây ăn trái và một số thắng cảnh nổi tiếng mà được biết đến nhiều nhất là căn cứ Ô Tà Sóc – đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Nếu đi trở ra hướng Tri Tôn, du khách sẽ được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp với những hàng trúc màu vàng, trồng theo ven đường vào núi.

Rừng tre nằm trong căn cứ Ô Tà Sóc

Núi Nước (Thuỷ Đài Sơn)

Địa chỉ: thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn

Đây là ngọn núi có chiều cao khiêm tốn nhất trong 7 ngọn núi lớn và 37 ngọn núi nhỏ của vùng Bảy Núi An Giang, chỉ 54m. Dù vậy Núi Nước, còn gọi là Thuỷ Đài Sơn vẫn được xếp vào dãy Thất Sơn vì người xưa cho rằng đây là nơi quy tụ nhiều linh khí của đất trời cũng như góp phần không nhỏ vào quá trình khai thiên lập địa cho vùng đất địa linh nhân kiệt này.

Chùa Linh Bửu trên núi Nước

Tương truyền rằng xưa kia, từng có nhiều giai đoạn nước lũ dâng gây ngập lụt cả khu vực xung quanh núi, chỉ còn thấy một phần đỉnh giữa biển nước mênh mông nên người dân địa phương đặt tên là núi Nước.

Núi Nước còn có tên gọi khác là Thủy Đài Sơn

Núi Dài 5 Giếng (Ngũ Hồ Sơn)

Địa chỉ: xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên.

Núi Dài 5 Giếng có độ cao 265m so với mực nước biển. Đây là ngọn núi cao thứ tư trong vùng Bảy Núi An Giang. Núi Dài Năm Giếng còn được gọi là Ngũ Hồ Sơn, tọa lạc ở thị trấn Nhà Bàng, riêng phần vách phía Tây và Đông thuộc địa phận xã An Phú, Văn Giáo của Tịnh Biên.

Người dân địa phương gọi nơi này là Núi Dài 5 Giếng vì trên đỉnh núi có năm nơi mà mặt đất trũng sâu như giếng nước. Địa hình núi khá hiểm trở nhưng bù lại có nhiều cảnh đẹp hấp dẫn khách du lịch An Giang ghé thăm. Đây còn là xứ sở của nhiều vườn cây ổi, xoài, bưởi, mận, sầu riêng, thanh long,… sai trái trĩu quả quanh năm.

Núi Dài 5 Giếng

Một điểm đặc sắc khác của Ngũ Hồ Sơn là nằm đối diện với núi Ông Két (Anh Vũ Sơn) theo hướng mỏ Két nên thường được ví như một hòn non bộ khổng lồ tuyệt đẹp của vùng An Giang. Cũng như nhiều ngọn núi khác trong dãy Thất Sơn, núi Dài 5 Giếng mang trong mình những câu chuyện tâm linh kì bí. Địa thế thu hút, cây cối tươi tốt và có vị trí thuận lợi khiến nơi này nhanh chóng trở thành điểm du lịch thu hút nhiều sự quan tâm của du khách từ các tỉnh thành khác trên khắp mọi miền đất nước.

Thiên nhiên hữu tình thơ mộng trên dãy Thất Sơn

Thất Sơn An Giang không chỉ có giá trị lớn về văn hóa, lịch sử, tôn giáo mà còn là điểm đến du lịch hấp dẫn, mang nguồn lợi kinh tế cao, giữ vai trò là vùng đất cung cấp đa dạng các khoáng sản quý giá, có hệ thống rừng nguyên sinh, hệ sinh thái cùng các thảm thực vật đa dạng của tỉnh An Giang.

Khám phá vùng “địa linh nhân kiệt” nức tiếng: Thất Sơn Bảy Núi
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung