Vui hội Lồng Tông, ngày hội xuống đồng ở Tuyên Quang

Cứ mỗi dịp tết đến, xuân về, người dân và du khách lại nô nức kéo về trung tâm huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) để tham dự Lễ hội Lồng Tông – ngày hội xuống đồng. Đây là lễ hội truyền thống, đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang với mong ước cầu cho quốc thái, dân an, nhà nhà yên vui hạnh phúc; mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu…

Nội dung chính

1. Thời gian tổ chức Lễ hội Lồng Tông Tuyên Quang

Đây là lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang được tổ chức vào mùng 8 tháng Giêng hàng năm, với mong ước cầu một năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhà nhà ấm no hạnh phúc…

2. Ý nghĩa Lễ hội Lồng Tông Tuyên Quang

Lễ hội  Lồng Tông ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) mang đậm nét văn hóa truyền thống, được lưu truyền từ lâu đời trong đời sống văn hóa tinh thần và xã hội của người Tày. Đồng bào Tày coi lễ hội Lồng tông là tài sản văn hóa tinh thần vô giá. Bởi nó chứa đựng mong ước, niềm tin thiêng liêng, cháy bỏng của mỗi người dân về một cuộc sống yên lành, no đủ. Đồng thời, nó cũng chứa đựng đầy đủ những nét tinh túy trong bản sắc văn hóa của người Tày, như: văn hóa ẩm thực, nghệ thuật dân ca, dân vũ, phong tục tập quán, trò chơi dân gian…

Lễ hội Lồng Tông ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang)

Trải qua bao nhiêu mùa xuân, lễ hội Lồng Tông thấm vào văn hóa của từng người, từng gia đình. Dù làm gì hay đi ngược về xuôi, mọi người đều cố gắng sắp xếp để mùng 8 Tết vui hội Lồng Tông. Đây là lễ hội tâm linh của đồng bào Tày nên Lồng Tông được xếp vào dạng “trường tồn” với thời gian. Trải qua bao biến thiên, thăng trầm của lịch sử, lễ hội Lồng Tông vẫn phát triển theo dòng chảy của dân tộc. Qua lễ hội thể hiện tính ước vọng và đoàn kết cộng đồng rất cao của người Tày.

3. Lễ hội là nét văn hóa đặc trưng của dân tộc Tày

Theo các cụ cao niên ở huyện Chiêm Hóa kể: Lễ hội Lồng Tông là lễ hội truyền thống không biết có từ bao giờ, chỉ biết xa xưa truyền lại. Lễ hội được tổ chức ở quy mô cấp huyện như Chiêm Hóa và Lâm Bình. Ngày và địa điểm tổ chức lễ hội được các địa phương nghiên cứu lựa chọn kỹ, bảo đảm không gian vừa trang trọng thoáng rộng vừa đúng ngày đẹp, không bị trùng nhau, giúp người dân thuận lợi trong việc đi lễ hội.

Màn múa gieo hạt trong lễ hội

Thường thì lễ hội được ấn định ngày tổ chức hàng năm như Lồng Tông huyện Chiêm Hóa (mùng 8 Tết) và Lâm Bình (12-14 Tết). Riêng huyện Chiêm Hóa theo thống kê có khoảng 45 lễ hội Lồng Tông cấp thôn, xã, huyện được tổ chức đầu xuân.

4. Lễ hội Lồng Tông Tuyên Quang

Phần lễ

Sáng mùng 8 tháng Giêng, mở đầu lễ hội là lễ cúng tại đền Bách Thần diễn ra linh thiêng và trang trọng. Lễ vật dâng cúng gồm: lễ chay (bánh chưng, bánh dày, bánh lẳng, bánh khảo, hoa quả, trầu cau, tiền vàng giấy; lễ mặn (gà sống thiến, xôi ngũ sắc, rượu và 1 mâm quả còn (100 quả còn chọn từ cuộc thi khâu còn ngày mùng 7)…

Đoàn rước lễ từ núi Bách Thần về trung tâm huyện Chiêm Hóa

Bắt đầu hành lễ, chủ tế mặc áo chàm dài vạt chéo, quần màu chàm. Chắp sự lễ là người đọc văn khấn (đồng bào gọi là ông thái), người dâng hương, rượu (đồng bào gọi là ông mo), mặc áo chàm dài, vạt chéo, quần chàm, dầu chít khăn đỏ. 

Sau khi lễ vật được đặt lên ban thờ, chủ tế dâng văn tế rồi đưa cho ông thái; ông mo lên hương, rót rượu, ông thái bắt đầu đọc văn tế… Khi hết tuần nhang, ông thái khấn xin thụ lộc.

Nghi lễ tạ ơn trời đất tại Lễ hội Lồng Tông

Cúng tế xong, mâm lễ mặn vẫn để trên ban thờ, các mâm lễ khác để trong gian đại bái đưa ra ngoài sân để rước về nơi tổ chức phần hội. Các mâm tồng (lễ vật được đặt trên 4 mâm vuông, 5 mâm tròn bằng gỗ), mỗi mâm do một chàng trai và một cô gái Tày bưng, rước từ đền Bách Thần về nơi tổ chức phần hội (nay là sân vân động của huyện) – nơi tổ chức tung còn và các trò chơi dân gian, đặt lên các kệ tồng dưới chân cây còn. Xong việc, ông mo lên hương, rót rượu, ông thái đọc văn khấn mời Bách Thần về dự Lồng tông, cầu mong Bách Thần phù hộ cho dân an, vật thịnh và xin được khai hội Lồng tông.

Đông đảo người dân và du khách tham gia lễ hội

Phần hội

Bắt đầu từ ngày mùng 7 tháng Giêng, người dân thị trấn Vĩnh Lộc đã náo nức vào hội. Mở đầu là cuộc thi khâu còn. Đây không chỉ là thể hiện sự khéo léo của các cô gái Tày duyên dáng mà còn chứa đựng yếu tố thiêng – chọn 100 quả còn để dâng cúng Bách Thần. Quả còn được làm bằng vải tứ sắc, tua ngũ sắc, khâu thành 4 múi, 2 mặt, bên trong có gạo, thóc, cát (thóc tượng trưng cho hạt giống, cát tượng trưng cho đất để trồng lúa, gạo tượng trưng cho thành phẩm, là kết quả của quá trình lao động). Những quả còn được chọn sẽ có tên của gia đình, người khâu, được xếp vào mâm để dâng cúng tại đền Bách Thần và để tung vào ngày hôm sau, mùng 8 tháng Giêng.

Thi khâu quả còn đẹp tại Lễ hội Lồng Tông

Ngày hội thật náo nức. Quả còn đầu tiên được tung lên, khởi đầu cho một năm mới đầy khát vọng. Cây còn cao vút, từng quả còn nối nhau vut vút bay lên hướng đích… Khi còn trúng tâm điểm, ông mo cho dừng tung còn, công bố tên người ném trúng, sau đó phát lộc cho nhân dân tại chân cột cây còn. Cùng với đó, tại một thửa ruộng, một người đại diện chính quyền hoặc người có uy tín, thay mặt nhân dân xuống đồng cày những đường cày đầu tiên của năm mới.

Khai hội xuống đồng

Khi quả còn được tung trúng đích, báo hiệu một điềm may mắn, dấu hiệu của một năm mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh thì cũng là lúc trên sân diễn ra các trò chơi dân gian: cầu leo, cầu lut, đánh yến, đánh pam, đu quay, chọi gà, chọi chim, cờ tướng, đi cà kheo, đẩy gậy, kéo co, đấu vật… Tất cả các trò chơi dân gian ấy không chỉ đơn thuần là trò chơi vui xuân, mà đều hàm chứa những ý nghĩa thiêng liêng, thể hiện khát vọng của con người về sự hòa hợp trời đất và sự mong ước một năm mới thật nhiều sức khỏe, mùa màng bội thu.

Người dân và du khách trảy hội

Lồng Tông là lễ hội tiêu biểu của người Tày tỉnh Tuyên Quang và đã được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện tỉnh Tuyên Quang đang từng bước đưa Lễ hội Lồng Tông trở thành sản phẩm du lịch đặc thù trong mỗi dịp Tết đến Xuân về.

Vui hội Lồng Tông, ngày hội xuống đồng ở Tuyên Quang
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung