Chùa Ngọa Vân – Cảnh sắc tựa chốn bồng lai tiên cảnh

Quảng Ninh không chỉ nổi tiếng với di sản thiên nhiên Vịnh Hạ Long mà còn là cái nôi của Phật giáo Việt Nam. Nơi đây được mệnh danh là “miền đất Phật” của nước ta, gắn liền với lịch sử tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Chùa Ngọa Vân là một di tích quan trọng nằm trong vùng địa linh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Trong đời sống văn hóa tâm linh của người Việt, chùa – am Ngọa Vân có vị trí đặc biệt quan trọng. Bởi nơi đây chính là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Nội dung chính

1. Chùa Ngọa Vân ở đâu

Chùa Ngọa Vân nằm tại xã An Sinh và Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh.

Ngọa Vân Tự – nghĩa là “chùa nằm trên mây” – ở độ cao hơn 500m so với mực nước biển. Chùa có địa thế đẹp, tựa lưng vào đỉnh Ngọa Vân mây phủ, có hai dãy núi ôm vòng hai bên. Phía trước có ngọn núi nhỏ làm án. Phía xa là thung lũng với dòng sông Cầm uốn quanh. Chùa được xây dựng vào thời Trần, được tôn tạo vào thời Hậu Lê.

Chùa Ngọa Vân bồng bềnh trong mây

2. Câu chuyện lịch sử về chùa Ngọa Vân

Theo các tư liệu lịch sử thì ngay từ buổi đầu giành và củng cố quyền lực đất nước, triều Trần đã dựa vào Phật giáo, lấy Yên Tử làm cơ sở của mình. Trong thời gian tu khổ hạnh ở núi Yên Tử, Trần Nhân Tông đã chọn am Ngọa Vân trên ngọn núi Bảo Đài của dãy Yên Tử làm nơi tĩnh thiền.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, tháng 5 năm 1307, Trúc Lâm Đại Sĩ (tên hiệu của Phật hoàng) đã lên tu tại một am trên đỉnh Ngọa Vân – một đỉnh cao quanh năm mây phủ nằm trên núi Bảo Đài thuộc dãy Yên Tử linh thiêng. Ngày 1 tháng 11 năm 1308, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nhập niết bàn tại am Ngọc Vân (nay thuộc xã An Sinh và xã Bình Khê, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh).

Sau khi đệ nhất tổ Trúc Lâm qua đời, các thế hệ sau đã xây dựng lại am Ngọa Vân để thờ cúng Ngài. Đồng thời, xây dựng chùa và các công trình kiến trúc tôn giáo khác để thờ Phật và thực hiện việc hành đạo.

Ngôi chùa với bề dày lịch sử

3. Khám phá di tích chùa Ngọa Vân

Tới đây, du khách sẽ được khám phá một quần thể gồm 3 lớp.

Lớp thấp nhất có tổng cộng 15 di tích nằm ở khu vực dưới chân núi. Đó là rừng già Tàn Lọng, Thông Đàn, Phủ Am Trà, Đô Kiệu, bãi Đá Chồng, Ba Bậc… Đi dọc theo một con đường uốn lượn, du khách sẽ lần lượt đi qua những di tích này. 

Đi hết lớp thứ nhất, du khách sẽ đến với lớp thứ 2 nằm tại sườn phía Nam của núi Bảo Đài. Nơi đây là công trình chùa Ngọa Vân Trung được trùng tu và xây dựng lại năm 2014. Với kiến trúc chữ Nhị, ngôi chùa được tạo thành bởi hai tòa chính: Tiền đường và Hậu đường. Đây chính là khu vực trung tâm thường xuyên tổ chức các lễ hội xuân và những nghi lễ quan trọng khác. Du khách có thể đến đây vào tháng 3 âm lịch mỗi năm để tham gia lễ khai xuân, lễ cầu quốc thái dân an và khám phá toàn cảnh quần thể chùa tuyệt đẹp này.

Cuối cùng là lớp cao nhất của di tích Ngọa Vân. Nơi này với vẻ đẹp huyền ảo, quanh năm được bao phủ bởi mây mù, thiên nhiên nguyên sơ và diễm lệ. Nhờ an tọa trong khu vực vòng cung Đông Triều nên ngôi chùa lúc nào cũng được ôm ấp bởi những ngọn núi xanh mướt, trùng trùng điệp điệp.

Du khách hành hương dịp xuân về

4. Chùa Ngọa Vân – Tuyệt tác của thiên nhiên

Không chỉ lưu giữ những dấu tích thiêng liêng về Phật hoàng Trần Nhân Tông, khu di tích Ngọa Vân còn là một nơi có khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ và tuyệt đẹp. Nằm trong khu vực vòng cung Đông Triều, Ngọa Vân như được bao bọc, ôm ấp bởi những ngọn núi xanh mướt, trùng trùng điệp điệp. Thảm thực vật nơi đây gần như còn nguyên vẹn với rất nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm. Đến với Ngọa Vân, người ta có dịp được chiêm người những cây thông trăm tuổi, những rừng trúc bạt ngàn.

Đến am Ngọa Vân theo con đường cổ là đi dọc suối phủ Am Trà, lên dốc Đô Kiệu, qua khu Thông Đàn rồi lên chùa. Thông Đàn, cái tên này được giải thích do khi xưa, đây là một dải rừng chỉ trồng toàn thông. Khi đến đây, tiếng thông reo vi vu trong gió tựa có cả dàn nhạc đang được tấu lên. Từ xưa, các thiền sư đã lựa chọn nơi này để an táng sau khi viên tịch. Cảnh sắc nơi này bình yên, mộng mị với tiếng gió vi vu, mang lại cảm giác thanh tịnh cho con người, xua tan mọi muộn phiền, sầu não.

Vẻ đẹp hùng vĩ của Bãi Đá Chồng

Ngoài quần thể chùa chiền và Thông Đàn, du khách đừng quên khám phá bãi đá chồng. Đây là nơi có cảnh sắc đẹp tuyệt nằm dưới chân núi Bảo Đài. Những tảng đá lớn nhỏ chất chồng lên nhau, bao phủ bởi một nền cỏ xanh mướt, xa xa là núi rừng hùng vĩ. Đứng trên những tảng đá ở bãi Đá Chồng Ngọa Vân, bạn có thể phóng tầm mắt quan sát cả 3 hướng Đông, Tây, Nam, thu trọn tầm mắt cảnh đẹp của Đông Triều, Quảng Ninh. Nơi này ngoài đá còn có nhiều bãi cỏ rộng và bằng phẳng. Vì thế nhiều phượt thủ lựa chọn cắm trại qua đêm để có thể đón bình minh tuyệt đẹp trên núi. 

Hành hương lên chùa Ngọa Vân Quảng Ninh là cuộc hành trình trở về với những điều nguyên sơ, thuần khiết nhất trong tâm hồn. Bao nhiêu sân si với đời, bao nhiêu áp lực mỏi mệt đều sẽ được gột rửa khi trước mắt bạn là một ngôi chùa linh thiêng, là một vùng núi xinh đẹp chìm trong mây trắng mờ ảo…

Chùa Ngọa Vân – Cảnh sắc tựa chốn bồng lai tiên cảnh
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung