1. Đình Trà Cổ ở đâu
Đình Trà Cổ và Lễ hội đình Trà Cổ có bề dày lịch sử về văn hóa và kiến trúc độc đáo. Đình được xây dựng từ thời Hậu Lê, tọa lạc tại khu Nam Thọ, phường Trà Cổ, TP Móng Cái. Đình Trà Cổ thờ 6 vị tiên công người Đồ Sơn (Hải Phòng) và thờ Quận He Nguyễn Hữu Cầu – một lãnh tụ nông dân khởi nghĩa thời Lê – Trịnh cũng quê ở Đồ Sơn.
2. Truyền thuyết đình Trà Cổ
Theo sử sách, đình Trà Cổ gắn với truyền thuyết “Người Trà Cổ, tổ Đồ Sơn”. Theo truyền thuyết, vào năm 1461, người dân làm nghề đánh cá từ đất Đồ Sơn (thuộc Hải Phòng ngày nay) thường đi cả gia đình kiếm kế sinh nhai ở nhiều vùng biển xa, về cả miền cửa biển (thuộc Trà Cổ, Móng Cái nay). Trong một lần bão tố, mười hai gia đình đã trôi dạt vào một bán đảo hoang vu chỉ có sú vẹt và lau sậy. Không chịu nổi vất vả, sáu gia đình đã quay về quê cũ, sáu gia đình còn lại quyết tâm bám đất, xây dựng vùng quê mới. Ban đầu chỉ là sáu nếp nhà đơn sơ, dần đã trở thành xóm làng trù phú.
Như nhiều làng quê khác, đình Trà Cổ ngày ấy được bà con góp công, góp của xây dựng. Sau đó, nhân dân địa phương đã về quê cũ để xin chân hương các vị thành hoàng làng về thờ tại Đình (Không Lộ, Giác Hải, Nhân Minh, Huyền Quốc, Quảng Trạch). Ngoài ra, đây cũng là nơi phối thờ của 6 vị tiên công có công khai khẩn, lập nên vùng đất Trà Cổ xưa.
3. Kiến trúc của đình Trà Cổ
Đình Trà Cổ đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn. Trong đó lần trùng tu gần nhất là năm 2012. Ngôi đình hiện nay được xây dựng trên khu đất rộng hơn 1000 m2, quay hướng Nam, kiến trúc kiểu chữ đinh, gồm 05 gian 02 trái bái đường và 03 gian hậu cung, kết cấu kiến trúc gỗ cổ truyền. Toàn bộ công trình được dựng lên bằng sự liên kết khung gỗ và liên kết với nhau bởi các chốt mộng. Ngôi đình là một kiến trúc cổ bề thế, mái lợp ngói vẩy, bốn góc đao cong vút như con thuyền rẽ sóng ra khơi. Đặc biệt, các bức cốn ở vì kèo thể hiện đường nét chạm trổ chắc khỏe, tinh xảo, sống động. Đề tài phong phú gồm các mảng chạm long cuốn thủy phượng bay, hổ rình mồi bên cành hoa lá… Mỗi bức chạm là một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc. Đây được đánh giá là một trong những ngôi đình có quy mô đồ sộ và kiến trúc độc đáo của khu vực Đồng bằng Bắc Bộ.
Tại đình còn lưu giữ được nhiều hiện vật có giá trị như: 03 đỉnh hương đồng, 2 hạc cưỡi đầu rùa bằng gỗ sơn son thiếp vàng, 8 long ngai bằng gỗ của thời Nguyễn, 12 sắc phong chất liệu giấy…
4. Xuất xứ tên gọi “Trà Cổ”
Tên gọi Trà Cổ được giải thích là tên ghép của hai làng Trà Phương và Cổ Trai (nay thuộc huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) – là đất phát tích của nhà Mạc vào đầu thế kỷ 16. Người Trà Cổ có câu “Người Trà Cổ tổ Đồ Sơn” lưu truyền qua các thế hệ chính là răn dạy con cháu nhớ đến tổ tiên. Các sách địa chí cổ chép dân Đồ Sơn xưa dũng mãnh hơn người, ăn sóng nói gió. Ở nơi đầu sóng, ngọn gió thường xuyên phải đối mặt với bọn cướp bể, rồi giặc ngoại xâm, dân Đồ Sơn thường phải tự bảo vệ xóm làng, tự bảo vệ tính mạng. Phải chăng do di truyền từ tổ tiên ở Đồ Sơn mà người Trà Cổ ngày nay có những đặc trưng rất riêng so với các địa phương ven biển khác ở Quảng Ninh đó giọng nói to, nặng, tính tình bộc trực, thẳng thắn kiểu “ăn sóng nói gió”…
5. Lễ hội đình Trà Cổ
Là lễ hội mang đậm nét văn hóa vùng biển Đông bắc của Tổ quốc
Lễ hội đình Trà Cổ là một trong những lễ hội đặc sắc, mang đậm nét văn hóa vùng biển Đông bắc của Tổ quốc, thể hiện khá rõ nếp sống của người Việt cũng như lối sống cộng đồng gắn kết, đoàn kết, tương thân tương ái. Lễ hội không chỉ là dịp để dân làng bày tỏ lòng biết ơn, tưởng nhớ đối với các vị thành hoàng, mà còn thể hiện ý thức trách nhiệm của người Trà Cổ cũng như nhân dân cả nước trong việc tham gia gìn giữ, bảo vệ chủ quyền, bản sắc, xây dựng vùng biên giới ngày.
Độc đáo lễ hội “thi Ông Voi”
Tục lệ chọn cai đám
Theo tục lệ được duy trì, trước khi vào mùa lễ hội, làng Trà Cổ chọn ra 12 người được gọi là cai đám, để chuẩn bị cho mùa lễ hội sau. Cai đám là những người trung tuổi, có đạo đức, sức khỏe tốt, gia đình thuận hòa. Thông thường mỗi một người sẽ chỉ được một lần trong đời làm cai đám, những người được chọn sẽ rất vinh dự và tự hào vì điều đó sẽ mang đến may mắn, tài lộc, mạnh khỏe suốt cả năm. Đầu năm mỗi cai đám sẽ nuôi một chú lợn và được gọi là “Ông Voi” cùng với chế độ chăm sóc đặc biệt chu đáo, được bác sĩ thú y thăm khám thường xuyên.
Lễ hội “thi Ông Voi”
Trước ngày 30/5, các “Ông Voi” sẽ được đưa đến 3 đình để chầu đình: đình Nam Thọ, đình Đông Thịnh, đình Tràng Vĩ, các đình đều thuộc phường Trà Cổ và đều tổ chức lễ hội “thi Ông Voi”. Chiều ngày 30/5 âm lịch hàng năm sau khi làm lễ tế gia tiên, các cai đám sẽ dùng cũi sơn đỏ, có mái che đã tắm rửa sạch sẽ, rước “Ông Voi” vào đình xếp hai hàng ngay ngắn để chầu thần. Sau lễ tế cáo yết thần, Ban tổ chức lễ hội sẽ dùng thước đo từ đầu đến đuôi, đo vòng cổ từng “ông”.
“Ông” nào thân dài nhất, vòng cổ to nhất, đẹp nhất sẽ giành giải nhất. Ngay sau phần chấm giải, các “Ông Voi” trở lại là những chú lợn bình thường, gia đình cai đám có thể bán luôn cho thương lái ngay tại cổng đình hoặc đưa về nhà giết thịt khao họ hàng. Riêng “Ông Voi” đạt giải nhất thì được giữ lại để mổ tế thần.
Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” đạt giải nhất
Trong mâm lễ, ngoài thủ lợn, không thể thiếu túm lông đuôi của “Ông Voi” này. Lễ trao thưởng cho cai đám có “Ông Voi” đạt giải nhất sẽ được tổ chức vào sáng ngày chính hội (1/6). Trong suốt những ngày hội đình, các cai đám sẽ phải túc trực ở đình, cùng Ban tổ chức lo việc cúng lễ, đèn nhang cho đến khi xong hội. Họ được dân làng kính trọng gọi là “ông đám”. Tục thi Ông Voi mang nét độc đáo riêng có, thể hiện sâu sắc ước nguyện về cuộc sống no ấm, đủ đầy của người dân Trà Cổ; đồng thời khẳng định một nét đẹp văn hóa tín ngưỡng và tính truyền đời của một nghi lễ nơi địa đầu Tổ Quốc.
Lễ hội Đình Trà Cổ cùng với di tích Đình Trà Cổ và nhiều nét văn hóa đặc sắc của cư dân vùng biển Móng Cái trong hạt nhân của Khu Du lịch Quốc gia Trà Cổ đã trở thành điểm đến hấp dẫn, độc đáo, riêng có, khiến mỗi người con đất Việt đều ao ước một lần được đặt chân tới đây. Vinh dự hơn, ngày 20/12/2019, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã ký quyết định chứng nhận Lễ hội truyền thống Đình Trà Cổ là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đây là niềm tự hào của toàn thể nhân dân Móng Cái, càng khẳng định sâu sắc giá trị cột mốc chủ quyền, cột mốc văn hóa nơi biên ải.
Tháng 6 về trong tiếng lòng của mỗi người dân đất địa đầu, của mỗi cư dân Trà Cổ, tiếng trống hội đình đang thôi thúc, giục giã, đưa bước chân người người trở về để cùng đoàn tụ, tìm lại những giá trị cội nguồn…