Thành cổ Luy Lâu: Trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt

Nhắc đến Bắc Ninh không chỉ là nhắc đến những làn điệu dân ca đi sâu vào tiềm thức của người dân Kinh Bắc, mà còn là nhắc đến mảnh đất cổ lâu đời với nét truyền thống văn hóa đặc sắc. Nét văn hoá đó thể hiện qua các làng nghề như Tranh Đông Hồ, làng nghề Đúc Đồng, Gốm Phù Lãng… hay các địa điểm tâm linh như đền Đô, chùa Dâu, chùa Phật Tích, chùa Bút Tháp. Trong bài viết này, xin giới thiệu đến các bạn một trong những địa điểm không chỉ có giá trị văn hoá đặc sắc mà còn in đậm dấu ấn lịch sử. Đó chính là Thành cổ Luy Lâu.

Nội dung chính

1. Vị trí, kiến trúc Thành cổ Luy Lâu

Đô thị Luy Lâu nằm giữa khu vực giao nhau giữa Sông Dâu và Sông Đuống, giữa trung tâm đồng bằng châu thổ Bắc Bộ, trong đó Sông Dâu giữ vai trò trục không gian kiến trúc chính. Các công trình của đô thị chủ yếu dựng đặt, xây cất bên bờ Sông Dâu (thành lũy bên một bờ sông). Trung tâm đô thị xưa kia là tòa Thành Luy Lâu kiên cố và bề thế – trụ sở chính và căn cứ quân sự của bộ máy cai trị. Trong thành là công đường, dinh thất, nhà cửa, đồn trại, kho bãi. Mặt lũy thành là tháp canh, đồn trại, bao lấy lũy thành là hào sâu, lũy tre dày đặc nhằm bảo vệ bộ máy cai trị của phong kiến ngoại tộc.

Cổng vào khu di tích thành cổ Luy Lâu

Ngoài thành, ở hai phía Nam-Bắc là nhà ở, dinh thự, lầu gác của quan lại, quý tộc là chủ yếu, mà nay còn lại dấu tích khảo cổ và địa danh Văn Quan, Phương Quan, Mã Quan, Cánh Sở. Di tích để lại ngày nay chỉ còn một đoạn tường thành nhỏ còn sót lại, tại xã Thanh Khương, Thuận Thành, Bắc Ninh, trước mặt thành là con sông Dâu (một con sông cổ nay đã bị bồi lắng, từng nối sông Thái Bình với sông Hồng, nằm song song với sông Đuống ngày nay) làm thành hào tự nhiên. Theo nghiên cứu khảo cổ học, thành Luy Lâu hình chữ nhật, có diện tích khoảng 300m x 600m chếch theo hướng tây nam. Các công trình nổi tiếng liên quan: Lăng Sĩ Nhiếp, Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Tướng, Chùa Dàn.

Thành Cổ Luy Lâu

2. Lịch sử Thành cổ Luy Lâu

Thành Luy Lâu được xây dựng lại trong thời kỳ Bắc thuộc nhà Đông Ngô

Trong thời kỳ Bắc thuộc nhà Đông Ngô, Sĩ Nhiếp, một quan chức người Hán được vua Ngô cử làm thứ sử Giao Châu, ông đã cho xây dựng lại thành Luy Lâu, đặt làm trung tâm của bộ máy cai trị. Thế kỷ thứ 10, sứ quân Lý Khuê là người Siêu Loại đã đứng lên chiêu dân, lập ra một căn cứ quân sự lớn và là 1 trong 12 sứ quân mạnh nhất với tham vọng biến nơi đây thành một trung tâm của Tĩnh Hải quân.

Thành cổ Luy Lâu được coi là kinh đô thứ hai của nước ta 

Thành Cổ Luy Lâu còn có tên gọi khác là Siêu Loại, Lũng Khê, là một trong những ngôi thành cổ nhất Việt Nam (sau Cổ Loa – Đông Anh, Hà Nội) có niên đại khoảng 2000 năm từ thời Đông Hán. Đây được coi là kinh đô thứ hai của nước ta sau Cổ Loa, là trung tâm văn hóa, giáo dục của đất nước từ thế kỷ thứ II. Mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, chịu sự tàn phá của thiên nhiên, con người, nhưng thành cổ vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích cổ.

Thành cổ Luy Lâu được coi là kinh đô thứ hai của nước ta 

Thành Luy Lâu hiện còn giữ nguyên được một nửa thành cũ

Thành Luy Lâu hiện còn giữ nguyên được một nửa thành cũ với diện tích 132.258m2 ở phía Tây Nam. Phía Đông đã trở thành đất thổ cư của làng Lũng Khê. Bên trong thành có chùa Phi Tướng, chùa Bình. Chùa thờ tượng Sỹ Nhiếptừ thời Lê Nguyễn. Đặc biệt, di tích cổ vẫn còn tồn tại từ thế kỷ thứ 2 chính là chiếc cầu đá, lối đi vào đền thờ Sỹ Nhiếp. Qua một số đợt khai quật, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều cổ vật quý, dày đặc dưới lớp đất canh tác như: đồ gốm, gạch ngói thời Hán, hàng trăm lò nấu đồng, móng gạch có niên đại sớm và dấu tích của một kiến trúc cổ đã bị cháy…

Lối đi vào đền thờ Sĩ Nhiếp

3. Luy Lâu được biết đến là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt

Tại đây, tư tưởng Nho giáo và văn hoá Hán Đường đã được truyền bá liên tục vào Việt Nam. Đây là nơi đầu tiên Sĩ Nhiếp mở trường lớp dạy chữ và văn hoá Hán. Ngoài ra, Luy Lâu còn là trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt. Hệ thống di tích, chùa tháp quần tụ đậm đặc ở đây với trung tâm là chùa Dâu cùng nhiều nguồn di vật, tài liệu như tượng pháp, bia ký, bản khắc Cổ Châu Pháp Vân Phật bản hạnh ngữ lục và lễ hội chùa Dâu với các nghi lễ Tân Phật, rước Tứ Pháp, rước nước đã cho thấy Luy Lâu là trung tâm Phật giáo lớn và sớm nhất Việt Nam.

Cầu đá vào đền thờ Sĩ Nhiếp

4. Là trung tâm văn hóa, giáo dục của đất nước từ thế kỷ thứ II

Luy Lâu là không gian điển hình đan xen, hỗn dung tiếp xúc, biến đổi hội tụ và kết tinh văn hoá Việt Nam cỏ với văn hoá Phật – Ấn, Nam Á và Trung Á, văn hoá Nho Lão (Trung Hoa – Đông Á) để rồi sinh thành bản sắc văn hoá Kinh Việt. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang khởi công và xây dựng trung tâm văn hóa Luy Lâu tại thị trấn Hồ nhằm tái hiện lại một phần lịch sử của vùng đất Luy Lâu-Siêu Loại-Thuận Thành. Con đường tại thành phố Bắc Ninh mang tên địa danh Luy Lâu. Đó là đường vành đai Trung tâm văn hóa Kinh Bắc.

Đền thờ Sĩ Nhiếp

Với những giá trị lịch sử, văn hóa to lớn đó, thành Luy Lâu đã sớm được nhà nước đầu tư, nghiên cứu, bảo vệ và xếp hạng từ ngày 13/1/1964 theo quyết định số 29/VHQĐ công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Có dịp về Bắc Ninh, bạn nhớ ghé thăm thành cổ này nhé!

Thành cổ Luy Lâu: Trung tâm Phật giáo lớn và cổ xưa nhất của người Việt
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung