Lễ hội đền Chiêu Trưng tưởng nhớ công ơn danh tướng Lê Khôi

Lễ hội đền Chiêu Trưng (Lê Khôi) ở Hà Tĩnh là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, được duy trì tổ chức theo thông lệ truyền thống, diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm ngày mất của Đại vương Lê Khôi. Hãy cùng tìm hiểu về lễ hội này nhé!

Nội dung chính

1. Sự tích đền Chiêu Trưng

Chiêu Trưng là một ngôi đền rất linh thiêng, được lập ra để thờ tướng Lê Khôicon của Lê Trứ, anh thứ hai của Lê Lợi. Lê Khôi người làng Lam Sơn, Thụy Nguyên (nay là huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa), ông là cháu ruột của vua Lê Thái Tổ. Lê Khôi tham gia các trận đánh lớn và lập được nhiều chiến công hiển hách nên được nhà vua phong “Kỳ lân hộ vệ thượng tướng quân, Tổng quản hành quân, Nhập nội thiếu úy”.

Năm 1443, danh tướng Lê Khôi được phái vào làm Tổng trấn Hoan Châu. Sau đó phụng mệnh vua Nhân Tông, ông cầm quân đánh giặc Chiêm. Trên đường trở về, ông bị bệnh nặng và mất vào ngày 3 tháng 5 năm Bính Dần (1446), tại bến Long Ngâm, chân núi Nam Giới, nay là xã Thạch Bàn (Thạch Hà). Triều đình làm quốc tang, chôn cất và lập đền thờ ông tại núi Long Ngâm ghi nhớ công ơn của Lê Khôi. 

Đền Chiêu Trưng

Năm 1487, Lê Khôi được vua Lê Thánh Tông phong tặng là “Chiêu Trưng đại vương”. Cho đến nay, mặc dù trải qua nhiều thế kỷ và chiến tranh tàn phá, đền Chiêu Trưng đại vương Lê Khôi vẫn còn tương đối nguyên vẹn và được người dân dâng hương, thờ cúng hàng năm.

2. Vẻ đẹp linh thiêng của đền Chiêu Trưng

Đền Chiêu Trưng ở Hà Tĩnh không chỉ nổi tiếng bởi đường nét kiến trúc hài hòa mà còn được biết tới nhờ những lễ hội đặc sắc diễn ra hàng năm.

Đền Chiêu Trưng Hà Tĩnh gồm 3 tòa, lăng mộ và sau lưng. Để đến được đền, du khách sẽ phải leo qua 23 bậc đá, đi qua cây cổ thụ có khắc năm xây dựng trên thân. Qua cổng và vọng lâu là tới đền Hạ. Nơi này rộng, thoáng nên được dùng làm địa điểm đón tiếp quan khách.

Đền Chiêu Trưng linh thiêng

Đi sâu vào trong, bạn sẽ tới khu vực Trung điện. Nơi này mang đậm phong cách nghệ thuật điêu khắc đầu thế kỷ XVII.

Ở hai bên Trung điện là cửa nếp xây cuốn tò vò, phải cúi đầu thấp mới đi được lên Thượng điện. Khu vực này có treo tấm biển của vua Lê Thánh Tông ban: “Nam thiên tuấn vọng”. Ở giữa Thượng điện có đặt bức tượng Chiêu Trưng Đại vương Lê Khôi bằng gỗ sơn, mang vẻ trang nghiêm. Cuối cùng là khu lăng mộ của Đại tướng Lê Khôi, nằm ở đằng sau đền.

Vẻ đẹp của đền đến từ sự hài hòa giữa công trình kiến trúc và cảnh quan thiên nhiên, mang đến một tổng thể vô cùng trang nghiêm và linh thiêng.

Đền Chiêu Trưng linh thiêng hùng vĩ

3. Lễ hội đền Chiêu Trưng

Thời gian diễn ra lễ hội

Hàng năm, vào ngày mùng 2 đến mùng 3 tháng 5 âm lịch, Nhân dân hai huyện Thạch Hà và Lộc Hà thường tổ chức Lễ hội đền Chiêu Trưng với các hoạt động rước thuyền, các trò chơi dân gian như: đi cà kheo, đánh cờ, thả diều và đua thuyền…

Đền Chiêu Trưng tọa lạc trên ngọn núi Long Ngâm

Nét đẹp văn hóa truyền thống

Hàng trăm năm nay, lễ hội đền Lê Khôi trên núi Long Ngâm, thuộc dãy núi Nam Giới ở vùng biển Cửa Sót đã trở thành hoạt động mang đậm nét đẹp văn hóa truyền thống của cư dân các xã vùng bãi ngang ven biển Thạch Bàn, Thạch Hải (Thạch Hà) và Thạch Kim, Mai Phụ (Lộc Hà)…

Chuẩn bị cho lễ hội

Trước khi diễn ra chính lễ ở đền Lê Khôi, người dân bản địa tại các điểm đền vọng xã Thạch Kim, Mai Phụ, Thạch Bàn, Thạch Hải, Thạch Trị đã long trọng tổ chức các hoạt động rước kiệu, phong sắc và đồ tế khí để cử hành lễ giỗ danh tướng Lê Khôi. Từ các đền vọng, đoàn từ Mai Phụ, Thạch Kim rước xuống thuyền sang đền chính. Đoàn rước xã Thạch Hải, Thạch Trị đi bằng đường bộ. Dù cách thức nào, đoàn rước cũng do 2 vị cao niên mẫu mực nhất dẫn đường.

Người dân dâng hương, thờ cúng

Lễ rước

Trong lễ hội, lễ rước kiệu được chuẩn bị công phu, mỗi đoàn rước có hơn 100 người. Đoàn rước đi bằng thuyền thường có 5-7 thuyền/đoàn. Thuyền của dân làng lân cận và ngư dân các nơi thường ra vào Cửa Sót và đoàn thuyền rồng thi bơi cũng tham gia đoàn rước. Sau phần lễ rước thuyền rồng trên sông Cửa Sót, diễn ra lễ tế tại đền chính nhằm tưởng nhớ, tri ân công lao danh tướng Lê Khôi và cầu mong cho quốc thái dân an.

Lễ rước đền Chiêu Trưng

4. Ý nghĩa của lễ hội đền Chiêu Trưng

Lễ hội Đền Chiêu Trưng đã có lịch sử trên 500 năm và trở thành một nếp sống, nét đẹp văn hóa dân gian truyền thống, gắn bó mật thiết của người dân ở các xã vùng bãi ngang ven biển Thạch Bàn, Thạch Hải (huyện Thạch Hà) và xã Thạch Kim, Mai Phụ (huyện Lộc Hà).

Thông qua lễ hội, người dân vừa tưởng nhớ, tri ân công lao to lớn danh tướng Lê Khôi vừa cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, làm ăn gặp nhiều thuận lợi; đồng thời cầu mong mỗi chuyến ra khơi bám biển luôn được bình an, cá mực đầy thuyền…

Lễ hội ở đền Chiêu Trưng rất đông khách thập phương tham gia

Tới đền Chiêu Trưng, du khách không chỉ có dịp dâng hương, tưởng nhớ đến vị Đại tướng Lê Khôi mà còn được chiêm ngưỡng kiến trúc đền chùa nguyên mẫu của thời Hậu Lê. Đồng thời, bạn sẽ còn có cơ hội tham gia lễ hội đền Chiêu Trưng hết sức ý nghĩa này.

Lễ hội đền Chiêu Trưng tưởng nhớ công ơn danh tướng Lê Khôi
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung