Lễ hội chùa Keo Hành Thiện – Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể

Chùa Keo Hành Thiện – ngôi chùa nổi tiếng gắn liền với cuộc đời của đức thiền sư Dương Khổng Lộ, thuộc làng Hành Thiện, xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Chùa nằm sát chân đê hướng quay ra sông đối diện phía bên kia bờ sông Hồng là Chùa Keo thuộc xã Duy Nhất huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Hãy cùng tìm hiểu về lễ hội tại ngôi chùa độc đáo này nhé!

Nội dung chính

1. Lịch sử chùa Keo Hành Thiện

Chùa Keo Hành Thiện tên gọi chung cho hai ngôi chùa gồm chùa Keo trong tên chữ là “Thần Quang tự”; chùa Keo ngoài tên chữ là “Đinh Lan Tự”.

Chùa Thần Quang Tự có lịch sử khởi dựng từ thời Lý. Ban đầu chùa có tên là chùa Nghiêm Quang, do Đức Thánh Dương Khổng Lộ cho xây dựng vào năm Tân Sửu (1061) trên đất Giao Thủy, phủ Hải Thanh, vì vậy dân gian còn gọi theo địa danh là chùa Giao Thủy, trong tiếng Nôm từ “Giao” có âm Nôm là “Keo” nên chùa Giao Thủy còn gọi là chùa Keo.

Chùa Keo cổ kính còn có tên gọi là chùa Thần Quang

Năm Tân Hợi (1611) xảy ra lũ lụt lớn, cuốn trôi chùa Thần Quang, dân ấp Keo cũ phải dời đi hai nơi. Một bộ phận chuyển về mạn đông Nam, hữu mạn sông Hồng lập nên làng Hành Cung, đời Minh Mệnh (1820 – 1840) đổi là Hành Thiện, nay thuộc xã Xuân Hồng, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định. Một bộ phận chuyển về mạn tả ngạn sông Hồng về phía Đông – Bắc lập làng Dũng Nhuệ, nay là Hành Mỹ thuộc Xã Duy Nhất, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình.

Khung cảnh bình yên tuyệt đẹp trước chùa

Sau khi định cư, dân làng 2 nơi đều có kiến thiết xây dựng ngôi chùa theo kiểu “Tiền Phật, Hậu Thánh” cúng thờ thiền sư Dương Khổng Lộ. Để phân biệt với chùa Keo làng Dũng Nhuệ của Thái Bình, nhân dân làng Hành Thiện thường gọi ngôi chùa làng mình là chùa Keo Hành Thiện.

Làng Hành Thiện mùa xuân

2. Trụ trì chùa Keo Hành Thiện

Đức Thánh Tổ Thiền sư Khổng Lộ là một vị Quốc sư Thời Lý có nhiều công lao đóng góp cho nhân dân. Thiền Sư họ Dương, húy là Minh Nghiêm, hiệu là Khổng Lộ, sinh ngày 14 tháng 9 năm Bính Thìn niên Thuận Thiên thứ 7 (1016), quê Cha làng Giao Thủy, Phủ Hải Thanh (Thời Trần đổi làm phủ Thiên Trường, thời Nguyễn đổi làm Phủ Xuân Trường, quê mẹ ở Phủ Ninh Giang (Hải Dương).

Gác chuông trước cửa chùa

Năm 1060, Ngài cùng Đức Giác Hải và Đạo Đức Hạnh sang Tây Trúc tu luyện đạo Phật. Năm 1061, Ngài về nước dựng chùa Nghiêm Quangtrụ trì tại đó (sau đổi là Chùa Thần Quang). Năm Bính Ngọ 1066, sau khi chữa khỏi bệnh cho vua Lý Thánh Tông, Ngài được trọng thưởng 1000 lạng bạc, 500 khoảnh ruộng và được phong là Quốc Sư. Ngài còn cho đúc Chuông Nghiêm Quang nặng 3300 cân và đi quyên đúc vạc Phổ Minh nặng ngàn cân, là một trong tứ khí của Đại Việt.

Hàng cổ thụ có niên đại vài trăm năm

Ngày 3 Tháng 6 năm Giáp Tuất, niên hiệu thứ 3(1094) đời Lý Nhân Tông, thiền sư Khổng Lộ hóa thọ 79 tuổi. Ngày 10 tháng 8 năm Ất Hợi (1095), sư Giác Hải cùng môn đồ thu thập xá lị của ngài, lập tháp ở Chùa Nghiêm Quang.

Kiệu Thánh Không Lộ khi đi ngang qua Tam quan

3. Lễ hội chùa Keo Hành Thiện

Là một nghi lễ trang trọng nhất

Lễ hội truyền thống tại ngôi làng Hành Thiện luôn là một nghi lễ trang trọng nhất. Từ vài ba ngày trước khi khai hội, toàn dân tham gia tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, treo cờ đại của các phe xóm ở hai đầu xóm và dọc đường Thổ lối trước. Các phe/xóm hạ thuỷ thuyền trải vào ngày khai hội hoặc trước đó vài ba ngày để trai làng chèo tập.

Lễ hội chùa Keo

Từ sáng sớm ngày khai hội, chuông khánh lớn và trống cái hoà tấu từng hồi dài vang động khắp xóm làng. Sau lễ nhập tịch mở cửa chùa, làng làm lễ thỉnh Phật, lễ tấu Thánh, lễ dâng hương và dựng cờ khai hội. Sau lễ khai hội, các vị trong Ban Tổ chức và Ban chỉ đạo Lễ hội cùng quan khách xã và huyện tới Nhà Lưu niệm cố Tổng bí thư Trường Chinh làm lễ dâng hương lên Người. Sau phần nghi lễ là các hoạt động văn hoá thể thao vui chơi giải trí quanh chùa.

Múa lân trong lễ hội

Thời gian diễn ra lễ hội

Hội diễn ra từ ngày mồng 10 cho đến hết ngày 16 âm lịch tháng 9 hàng năm. Đặc biệt ở Lễ hội có môn Đua thuyền là một trong những môn thi cổ truyềnđộc đáo nhất (mà không giống bất cứ môn thi của Lễ hội nào khác trên đất nước Việt Nam).

Bơi thuyền trên sông Ninh Cơ

Môn thi này gồm 10 người trên một chiếc thuyền mà dân làng Hành Thiện gọi là “trải“, điều khác biệt là Bơi Trải đứng (như chèo đò) gồm 9 người chèo và 1 người lái, có 15 trải như thế. Cuộc đua được tổ chức vào hai ngày Lễ hội chính: ngày 12 và 15 tháng 9 âm lịch. Song song với Bơi Trải là Phụng Nghinh, một trong những nghi thức quan trọng nhất của Lễ hội.

Độc đáo nhất trong lễ hội là môn đua thuyền trải

Lễ Phụng Nghinh

Lễ Phụng Nghinh là lễ rước thánh, tổ chức vào sáng ngày 12 và 15 tháng chín với sự tham gia của khoảng hơn 300 người rước kiệu vòng quanh hồ nước gác chuông của chùa. Ngoài kiệu chính, kiệu hờ, kiệu sắc, còn có Long Đình, hương án, cờ thần, phù kiều, âm nhạc hòa tấu…

Lễ rước kiệu Thánh nhiều màu sắc

Đặc biệt là thuyền rồng có treo túi gấm, gậy trúc, nón tu lờ, các vật dụng gắn liền với truyền thuyết về đức tài của Đức Thánh Tổ Khổng Lộ. Nghi Lễ Phụng Nghinh thu hút đông đảo nhân dân và du khách đến dự, trở thành một trong những nghi thức chính của lễ hội Chùa Keo Hành Thiện.

Rước Kiệu Thánh

Nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện với nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh phong phú, độc đáo thể hiện sự tôn vinh công đức to lớn của Đức Thánh Tổ Dương Khổng Lộ, Phật bà Quan Âm Nam Hải đối với dân với nước, đặc biệt dân cư vùng đồng bằng sông Hồng; Nghi lễ Trường yến thể hiện lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ, sự tôn kính của cộng đồng xã hội với người cao tuổi… Đó chính là truyền thống uống nước nhớ nguồn, “ăn quả nhớ người trồng cây” mang đậm giá trị nhân văn, thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam.

Biểu diễn hát hội trên thuyền

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện là một kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phản ánh phong tục tập quán, tín ngưỡng, thể hiện tư duy, nhận thức về sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư. Đặc biệt là tính đoàn kết cộng đồng dân cư của làng quê Việt Nam đồng thời còn là một sản phẩm văn hóa du lịch hấp dẫn.

Lễ hội chùa Keo Hành Thiện – Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung