Lễ hội Đền Trần – Niềm tự hào của người con Nam Định

“Tháng tám giỗ cha, tháng ba giỗ mẹ” – Câu ca này luôn vương vấn trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt như một lời nhắc nhở để mỗi dịp tháng ba, tháng tám hàng năm lại tìm về cội nguồn, cùng hoà mình vào những lễ nghi trang nghiêm, những lễ hội tưng bừng, tưởng nhớ Thánh, Mẫu đã có công sáng lập và gìn giữ vùng đất thiêng này. Lễ hội đền Trần được tổ chức trong các ngày từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định nhằm tri ân công đức của 14 vị vua Trần.

Nội dung chính

1. Lịch sử Đền Trần Nam Định

Phủ Thiên Trường xưa (nay thuộc tỉnh Nam Định) là nơi phát tích của Vương triều nhà Trần và được coi là kinh đô thứ hai của nước Đại Việt sau kinh thành Thăng Long. Năm 1258, khi quân Nguyên Mông xâm lược nước ta lần thứ nhất, vua Trần Thái Tông ra lệnh thực hiện chiến lược “vườn không nhà trống” tại kinh thành Thăng Long và rút lui về phủ Thiên Trường để huy động sức mạnh toàn dân.

Về sau đã đánh bại quân Nguyên Mông. Năm đó, vào ngày 14 tháng Giêng, tại phủ Thiên Trường, vua Trần Thái Tông đã mở tiệc chiêu đãi và phong tước cho các quan, quân có công đánh giặc. Kể từ đó, cứ vào ngày này, các vua Trần lại tổ chức nghi thức “khai ấn” cúng tế tổ tiên trời đất, khen thưởng ban lộc những người có công, đồng thời mở đầu cho một năm làm việc mới của chính quyền nhà Trần.

Đền Trần Nam Định

Đến thế kỷ 15, Phủ Thiên Trường đã bị quân Minh phá hủy. Sau này, tại nền phủ xưa đã được xây dựng lại Khu di tích Đền Trần Nam Định, đồng thời duy trì nghi thức khai ấn để tưởng nhớ các vua Trần có công bảo vệ đất nước.

2. Kiến trúc Đền Trần Nam Định

Khu di tích bao gồm 3 công trình kiến trúc chính là: đền Thiên Trường, đền Cố Trạchđền Trùng Hoa, có kiểu dáng chung và quy mô ngang nhau. Phía trước có cổng ngũ môn. Qua cổng là một hồ nước hình chữ nhật. Chính giữa phía sau hồ là đền Thiên Trường.

Đền Trần gồm 3 công trình kiến trúc chính

Đền Thiên Trường

Đền Thiên Trường thường gọi Đền Thượng, tọa lạc ở vị trí trung tâm của quần thể di tích Đền Trần Nam Định. Đền được xây trên nền Thái Miếu và cung Trùng Quang của nhà Trần mà trước nữa là nhà thờ tộc của họ Trần. Cung Trùng Quang là nơi các thái thượng hoàng nhà Trần sống và làm việc.

Kiến trúc Đền Thiên Trường hiện nay gồm có tiền đường, trung đường, chính tẩm, thiêu hương, 2 dãy tả hữu vu, 2 dãy tả hữu ống muống, 2 dãy giải vũ Đông Tây. Tổng cộng có 9 tòa, 31 gian. Khung đền được dựng bằng gỗ lim, mái lợp ngói, nền lát gạch.

Tiền đường gồm 5 gian, dài 13m, có 12 cột cái cùng 12 cột quân, tất cả được đặt trên bệ bằng đá hình cánh sen vốn là chân cột cung Trùng Quang cũ. Bên trong là ban thờ và bài vị của các quan có công lớn phù tá nhà Trần.

Trung đường đặt bài vị của 14 hoàng đế nhà Trần, trước cửa có ba cỗ ngai là nơi thờ bái vọng các vị hoàng đế.

Chính tẩm 3 gian, thờ 4 vị thủy tổ họ Trần, và các phu nhân chính thất ở gian giữa, hoàng phi ở 2 gian trái phải.

Tòa thiêu hương (kinh đàn) đặt ban thờ và bài vị của các công thần nhà Trần. Có ban thờ riêng cho các quan văn, võ.

Lễ hội Đền Trần

Đền Cố Trạch

Đền Cố Trạch thường gọi là Đền Hạ, nằm ở mặt Đông của khu di tích Đền Trần Nam Định tức bên phải Đền Thiên Trường. Văn bia ghi lại, năm 21 đời Tự Đức (1868), người ta đào thấy ở phía Đông một mảnh bia vỡ có ghi chữ Hưng Đạo thân vương cố trạch. Do đó khi xây dựng vào năm 1894 và hoàn thành năm 1895, đền được đặt tên là Cố Trạch Từ tức là đền nhà cũ, làm nơi thờ tự Trần Hưng Đạo, gia đình và gia tướng.

Tiền đường đặt bài vị 3 gia tướng thân tín của Trần Hưng Đạo là Phạm Ngộ, Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Chế Nghĩa.

Trung đường thờ bài vị và tượng của Trần Hưng Đạo, 4 người con trai, Phạm Ngũ Lão và các tả hữu tướng quân.

Chính tẩm đặt bài vị cha mẹ, Trần Hưng Đạo và vợ (công chúa Thiên Thành), 4 con trai và 4 con dâu, con gái và rể.

Thiêu hương (kinh đàn) đặt long đình, trong có tượng Trần Hưng Đạo cùng 9 pho tượng Phật. Gian tả vu đặt bài vị Trương Hán Siêu, Phạm Thiện Nhân và các văn thần triều Trần. Gian hữu vu đặt bài vị các võ thần triều Trần, bài vị Trần Công và các thân nhân họ Trần.

Dâng hương tại đền chính

Đền Trùng Hoa

Đền Trùng Hoa nằm ở mặt Tây của khu di tích, tức bên trái Đền Thiên Trường. Đền được xây dựng mới từ năm 2000, trên nền cung Trùng Hoa xưa – nơi các hoàng đế nhà Trần về tham vấn các vị thái thượng hoàng. Trong đền Trùng Hoa có 14 pho tượng bằng đồng của 14 hoàng đế nhà Trần đặt tại tòa trung đường và tòa chính tẩm. Tòa thiêu hương đặt ngai và bài vị thờ hội đồng các quan. Gian tả vu thờ các quan văn. Gian hữu vu thờ các quan võ.

Nguồn gốc lễ hội Đền Trần

3. Lễ hội Đền Trần Nam Định

Hai lễ hội lớn tại Đền Trần

Hàng năm, tại đây sẽ diễn ra 2 lễ hội lớn, đó là Lễ khai ấn đầu xuân và Hội đền tháng tám, thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương về dự, tri ân công đức của 14 vị vua Trần và cầu mong những điều tốt đẹp.

Chuẩn bị cho lễ rước kiệu

Lễ khai ấn Đền Trần Nam Định: diễn ra từ ngày 14 – 15 tháng Giêng âm lịch. Tối ngày 14, bắt đầu nghi thức rước hòm ấn từ nội cung đền Cố Trạch sang đền Thiên Trường, rồi làm lễ khai ấn vào đúng giờ Tý… sau đó khách thập phương vào đền tế lễ, xin lá ấn với mong muốn năm mới thành đạt và phát tài.

Hội Đền Trần ở Nam Định: diễn ra từ ngày 15 – 20 tháng 8 âm lịch. Phần lễ bắt đầu với các lễ rước từ đình, đền xung quanh về dâng hương ở đền Thiên Trường. Phần hội sẽ có các hoạt động văn hóa dân gian hấp dẫn như: diễn võ 5 thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa Bài Bông…

Biểu diễn múa rồng tại lễ hội truyền thống Đền Trần

Hội Đền Trần

Hội đền Trần diễn ra từ ngày 15 đến ngày 20 tháng tám âm lịch hàng năm. Những năm chẵn hội mở to hơn năm lẻ. Song không đợi đến chính hội, khách thập phương đã nô nức về trẩy hội đền Trần. Hành hương về cội nguồn ai cũng mong muốn điều tốt lành, thịnh vượng. Trước sân đền phấp phới lá cờ đại – lá cờ truyền thống với năm màu rực rỡ biểu trưng cho ngũ hành, hình vuông biểu tượng đất (âm), rìa tua hình lưỡi liềm biểu tượng trời (dương). Chính giữa cờ hội thêu chữ “Trần” bằng chữ Hán do hai chữ “Đông” và “A” ghép lại.

Hội Đền Trần

Phần lễ

Lễ hội được cử hành trang nghiêm. Nghi lễ được diễn ra với các lễ rước từ các đình, đền xung quanh về dâng hương, tế tự ở đền Thượng thờ 14 vị vua Trần. Lễ dâng hương có 14 cô gái đồng trinh, đội 14 mâm hoa đi vào đền trong tiếng nhạc lễ dâng lên 14 ngai vua. Nghi lễ này là hồi ảnh của cung cách triều đình phong kiến xa xưa.

Phần hội

Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hoá phong phú, độc đáo như chọi gà, diễn võ năm thế hệ, đấu vật, múa lân, chơi cờ thẻ, đi cầu kiều, hát văn, múa bài bông. Chính những nét sinh hoạt văn hoá độc đáo này đã tạo cho hội Đền Trần sức hấp dẫn và cuốn hút du khách thập phương.

Phần hội có nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa phong phú

Lễ hội Đền Trần là một trong những lễ hội truyền thống lớn, niềm tự hào của mỗi người dân Nam Định khi nhớ về cội nguồn dòng giống của các bậc đế vương và của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội đền Trần từ đó đã trở thành một hoạt động văn hóa mang tính nhân văn sâu sắc. Góp phần thể hiện truyền thống yêu nước và đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của nhân dân ta. Không chỉ là một lễ hội ngày xuân nổi tiếng, Lễ hội Đền Trần còn là niềm tự hào của người con Nam Định và cả dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Đền Trần – Niềm tự hào của người con Nam Định
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung