Phượng Hoàng Trung Đô mãi là niềm tự hào của nhân dân thành Vinh

Kinh thành Phượng Hoàng Trung Đô đang xây dựng thì Hoàng đế Quang Trung đột ngột qua đời. Sự ra đi đó khiến ngôi thành rơi vào cảnh dang dở. Giờ đây, sau hơn 200 năm với chiến tranh, mưa gió, thành xưa chỉ còn lại những dấu tích mờ nhạt ở phía Nam TP Vinh, Nghệ An. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về địa danh đã được vị anh hùng của dân tộc lựa chọn xây dựng kinh đô này nhé!

Nội dung chính

1. Đôi nét về Phượng Hoàng Trung Đô

Phượng Hoàng Trung Đô là kinh thành do vua Quang Trung (tức Nguyễn Huệ, 1752-1792) xây dựng bên dòng sông Lam và núi Dũng Quyết; nay là thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An, Việt Nam

Thành được xây vào năm 1788. Tại đây vua Quang Trung đã tập trung 10 vạn quân trước khi tiến ra Bắc để giành lại thành Thăng Long lúc bấy giờ đang bị quân Thanh xâm chiếm. 

Ngôi thành này dự định được xây dựng để thay thế kinh đô Phú Xuân, được đặt tên theo ý nghĩa chim Phượng hoàng, một loài chim trong truyền thuyết. Trung Đô còn có ý nghĩa là kinh đô nằm giữa vùng lãnh thổ do Quang Trung kiểm soát, cách Phú Xuân khoảng 300km, cách Đông Kinh Kẻ Chợ cũng khoảng 300km. 

Toàn cảnh Phượng Hoàng Trung đô nhìn từ trên cao

Cũng giống như sự nghiệp của Quang Trung, Phượng Hoàng Trung đô – kinh đô đặt tại đất Nghệ An của triều đại Tây Sơn đã phải chịu cảnh dang dở do sự ra đi đột ngột của vị hoàng đế tài ba.

2. Vì sao vua Quang Trung đã quyết định chọn vùng đất Yên Trường để lập Phượng Hoàng Trung Đô

Năm 1786, sau khi đánh tan quân chúa Nguyễn ở đàng trong, Nguyễn Huệ người anh hùng áo vải đất Tây Sơn đã kéo quân ra Bắc dẹp chúa Trịnh. 

Trong những lần nghỉ chân ở đất Nghệ An, thế đất và lòng dân của vùng Yên Trường đã được Nguyễn Huệ đặc biệt quan tâm với “hình thế rộng rãi, khí tượng tươi sáng có thể chọn để xây dựng kinh đô mới”. 

Nhà Vua cho rằng, nếu đóng đô ở đây vừa “khống chế được trong Nam, ngoài Bắc, vừa tiện cho Người tứ phương đến kêu kiện đi về”. Như vậy “trước là vì xã tắc sơn hà, thứ đến là vì lương dân trăm họ”. Vua Quang Trung đã quyết định chọn vùng đất Yên Trường để lập Phượng Hoàng Trung Đô

Tượng đài vua Quang Trung

Phượng Hoàng Trung Đô được xây dựng ở núi Dũng Quyết gồm có hai làn thành gọi là Thành ngoại và Thành nội. Giữa Thành nội dựng tòa lầu rồng 3 tầng. Công việc xây dựng kinh đô đang tiến hành dang dở thì Quang Trung băng hà. 

Mặc dù Kinh Đô chưa được xây dựng xong nhưng từ đây Vinh trở thành mốc son lịch sử được chọn làm Kinh Đô cho cả nước và cũng chính thức trở thành Trấn sở Nghệ An. Kế thừa truyền thống hào hùng của dân tộc, những người dân trên mảnh đất Phượng Hoàng Trung Đô đã nối tiếp nhau ra sức sản xuất, chiến đấu lập nên nhiều chiến công xuất sắc.

3. Những dấu tích mờ nhạt về Phượng Hoàng Trung Đô

Đến nay, tuy những dấu tích còn lại không nhiều, nhưng nhờ những tư liệu tìm được có thể giúp hình dung phần nào về kinh đô dang dở này. Trải qua mưa nắng thời gian và sự phá hoại của con người (nhất là dưới triều Nguyễn), Phượng Hoàng Trung đô chỉ còn dấu tích mờ nhạt ở phía Nam TP Vinh, Nghệ An.

Bức ảnh hàng không (ảnh chụp từ trên máy bay) thành Phượng Hoàng Trung đô chụp từ những năm 1930. Bức ảnh này được đưa vào tác phẩm An Tĩnh cổ lục (Ảnh mang số hiệu XCIII) của Le Breton, một học giả người Pháp. Trong cuốn sách trên, Le Breton gọi thành này là thành Rú Mèo và không nói rõ nguồn gốc.

Phượng Hoàng Trung đô, ảnh chụp từ máy bay (Ảnh: Tư liệu)

Nhờ bức ảnh này, chúng ta hình dung được cụ thể quy mô vị trí của thành Phượng Hoàng vì các bức tường thành còn thể hiện rất rõ. Thành phía đông bắc chạy sát theo chân núi Quyết (Phượng Hoàng). Phía Nam thành cắt ngang qua núi Mèo (Kỳ Lân), có lẽ lợi dụng núi Mèo làm đồn gác, như Hoàng Xuân Hãn phỏng đoán, cũng có thể đặt cột cờ trên núi này (vì nó ở phía Nam). Thành phía Tây cắt qua cánh đồng bằng phẳng, kẻ thành một đường thẳng tắp lên sát núi Mũi Rồng (một nhánh của núi Quyết).

4. Phượng Hoàng Trung Đô gồm có những lần thành nào?

Phượng Hoàng Trung Đô có 2 lần thành gọi là thành Nộithành Ngoại hình thang, chu vi: 2820 m, diện tích: 22 ha. Phía ngoài có hào rộng 3 m, sâu 3 m, thành cao 3-4 m.

Thành Nội xây bằng gạch vồ và đá ong, chu vi gần 1680 m, cao 2 m, cửa lớn mở ra hai hướng tây và đông. Trong thành nội có toà lầu rộng, cao 3 tầng, trước có bậc tam cấp bằng đá ong, sau có hai dãy hành lang nối liền với điện Thái hoà dùng cho việc thiết triều. Sách La Sơn phu tử nói rõ thêm: Núi Mèo (tức Kỳ Lân) làm nền cho đồn gác, thành phía Nam chấp vào núi ấy. Mặt đông bắc lấy núi Quyết (Phượng Hoàng) làm thành.

Cũng theo sách La Sơn phu tử, về kích thước của thành Ngoại, ngoài các vách núi làm bức luỹ tự nhiên, còn phải đắp bờ thành nam dài 300 m, bờ thành tây dài 450 m. Bề đứng ở những đoạn phải đắp cũng rất cao vì để hài hoà với vách núi.

Bên ngoài tường thành là hào. Hào phía Tây và phía Nam còn thể hiện rất rõ. Tòa thành gần như hình tam giác. Đỉnh phía bắc có đền Rồng, phía nam Đền Rồng là thành Nội. Giữa thành nội là Lầu Rồng ba tầng (xem bản đồ). Khu vực này nay là Lâm viên núi Quyết, thuộc địa phận phường Trung Đô, TP Vinh.

Bản đồ Phượng Hoàng Trung đô lập lại từ ảnh chụp trên máy bay (Ảnh: Tư liệu)

Hoàng đế Quang Trung mất, Quang Toản lên thay triều đại Tây Sơn kéo dài thêm một thời gian ngắn thì sụp đổ. Nguyễn Ánh lên ngôi, thành Phượng Hoàng Trung Đô bị rơi vào quên lãng theo thời gian.

Suốt trong quá trình xây dựng phượng hoàng trung đô, vua Quang Trung ngự giá đã về đây khoảng 3 lần vào những năm 1789, 1791, 1792. Thậm chí vua Quang Trung đã từng tổ chức ngự triều tại Phượng Hoàng Trung Đô. Trong bức thư gửi La Sơn Phu Tử vào ngày mồng 5 tháng 10 năm Quang Trung thứ hai (1789), nhà vua viết: Trẫm nay đóng đô tại Nghệ An, cùng tiên sinh gần gũi. Rồi đây, tiên sinh hãy ra đây mà giúp nhau trị nước.

5. Đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết

Ở chân núi Dũng Quyết hiện nay vẫn còn dấu tích Phượng Hoàng Trung Đô với một số đoạn tường thành, hào nước, nền móng một số công trình kiến trúc. Những cuộc thăm dò khảo cổ đã cho thấy rõ hơn về một tòa thành – kinh đô trong quá khứ. Và để phát huy những giá trị văn hóa – lịch sử của di tích, thể theo nguyện vọng của nhân dân nhằm tỏ lòng biết ơn Hoàng đế Quang Trung, năm 2005, tỉnh Nghệ An đã khởi công xây dựng đền thờ Hoàng đế Quang Trung trên núi Dũng Quyết (nay thuộc phường Trung Đô, thành phố Vinh).

Đền thờ vua Quang Trung ở núi Quyết

Công trình khánh thành đúng dịp kỷ niệm 220 năm Phượng Hoàng Trung Đô (7-5-2008). Ngôi đền được xây dựng tại quê cha đất tổ của Hoàng đế Quang Trung và nằm trong quần thể di tích Phượng Hoàng Trung Đô – núi Dũng Quyết mang ý nghĩa tâm linh, lịch sử sâu sắc và có giá trị.

Đền thờ vua Quang Trung trên núi Dũng Quyết là một điểm hành hương tâm linh gắn với du lịch, là nơi du khách tưởng nhớ công ơn của người anh hùng áo vải của dân tộcthưởng ngoạn phong cảnh hữu tình của mảnh đất địa linh nhân kiệt.

Đền thờ Vua Quang Trung có ý nghĩa về lịch sử văn hóa, du lịch tâm linh góp phần giáo dục truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta cho các thế hệ hôm nay và mai sau. 

Đền thờ vua Quang Trung – Viên ngọc xanh giữa lòng thành phố

Di tích núi Dũng Quyết và Phượng Hoàng Trung Đô mãi là niềm tự hào của nhân dân thành phố Vinh và nhân dân cả nước. Có dịp tới Nghệ An du lịch, bạn đừng quên ghé thăm địa danh này nhé!

Phượng Hoàng Trung Đô mãi là niềm tự hào của nhân dân thành Vinh
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung