Ghé thăm ngôi Đền Đô có kiến trúc nghìn năm tuổi, tìm hiểu hiện tượng “Bát Đế Vân Du”

Nhắc đến những địa điểm tham quan nổi tiếng ở Bắc Ninh không thể không kể đến đền Đô. Đây là ngôi đền có tuổi đời gần 1000 năm và là nơi thờ tự vua Lý Công Uẩn. Đến với nơi này, không chỉ được chìm đắm vào không khí linh thiêng nơi chùa chiền hay được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo mà bạn còn có thể tham dự lễ hội đền Đô nức tiếng gần xa.

Nội dung chính

1. Đền Đô ở đâu Bắc Ninh

Đền Đô (hay còn gọi là Đền Lý Bát Đế, Cổ Pháp Điện) được xây dựng vào thế kỷ XI. Ngày nay, đền nằm ở phường Đình Bảng, TP. Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đền được dựng trên nền đất mà khi xưa vua Lý Công Uẩn đăng quang và trở lại thăm quê hương.

Theo sử sách, dân làng Đình Bảng đã cho xây dựng một ngôi nhà lớn làm nơi nghênh tiếp nhà vua. Khi vua Lý Công Uẩn băng hà, Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua cha, ông đã cho sửa sang lại ngôi nhà xưa và chọn làm nơi thờ tự vua cha. Từ đó, Đền trở thành nơi thờ tự các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.

Toàn cảnh Đền Đô từ trên cao

2. Đền Đô thờ ai

Đền Đô là một trong những ngôi đền vô cùng nổi tiếng ở Bắc Ninh thờ 8 vị vua nhà Lý: Lý Thái Tổ, Lý Thái Tông, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông, Lý Anh Tông, Lý Cao Tông và Lý Huệ Tông.

Ngôi đền này được xây dựng trên đất của làng Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) với diện tích hơn 31.000m2.

Đền Đô có 21 công trình lớn nhỏ được chia thành khu nội thành và khu ngoại thành. Đền thờ chính đặt ở trung tâm. Đền Đô còn có tên gọi khác là đền Cổ Pháp hay đền Lý Bát Đế. Với thiết kế độc đáo đậm nét đền chùa Việt Nam, ngôi chùa này đã thu hút không ít du khách tới tham quan mỗi năm.

Nơi thờ tự 8 vị vua thời nhà Lý

3. Quá trình xây dựng Đền Đô

Lịch sử Đền Đô được xây dựng vào năm 1030 trên khu đất phía đông nam châu Cổ Pháp (ngày nay là làng Đình Bảng). Đây là một mảnh đất đắc địa, “địa linh nhân kiệt xuất nhập hanh thông”. Theo Thiền sư Lý Vạn Hạnh, đây là khu đất hội tụ thiên khí, nơi có thể có đầu rồng chầu về. Trước đền là một khu rừng Báng và dòng sông Tiêu Tương chảy quanh co.

Cửa chính của Đền (cổng Ngũ Long Môn) được xây dựng rất nguy nga

Vào tháng 2 năm Canh Tuất (1010), vua Lý Công Uẩn trở về thăm quê hương sau khi đăng quang. Nhà vua đã dừng thuyền rồng để đi thăm các bậc kỳ lão, yết lăng Thái Hậu. Sau đó, vua cho người đo mươi dặm đất để làm “sơn lăng cấm địa”. Dân làng Đình Bảng đã xây dựng một ngôi nhà lớn để làm nơi tiếp đón vua.

Khi vua Lý Thái Tông lên ngôi kế vị vua Lý Công Uẩn, ông đã cho tu sửa lại căn nhà lớn ấy và chọn đây làm nơi thờ tự vua cha. Và cũng từ đó, đây là nơi thờ tự của các vị vua nhà Lý sau khi băng hà.

Cho đến ngày nay, đền đã được tu sửa lại nhiều lần. Và lần tu sửa lớn nhất là vào năm 1602 với 21 hạng mục công trình.

“Chiếu dời đô” được làm bằng gốm Bát Tràng

4. Kiến trúc ngôi đền gần 1000 năm tuổi

Kiến trúc của đền Đô

Trải qua thời gian dài và do chiến tranh tàn phá, đền Đô đã được tu sửa và mở rộng. Nhưng vẫn theo đúng hình dáng và kiến trúc ban đầu. Kiến trúc của đền có sự kế thừa phong cách cung đình và dân gian được kết hợp hài hòa, chạm khắc tinh xảo. Đền Đô nằm trong khuôn viên rộng hơn 31.000m². Các công trình trong khu đền sắp xếp hài hòa với thiên nhiên khoáng đạt.

Không gian Đền Đô thoáng đãng, gần gũi với thiên nhiên

Cấu trúc của đền Đô được chia làm 2 khu vực nội thành và ngoại thành. Trung tâm của đền là điện thờ, là nơi đặt bài vị và tượng của tám vị vua nhà Lý. Xung quanh có nhà Chuyền Bồng, nhà Tiền Tế, nhà Phương Đình, nhà Thủy Đình, nhà để kiệu, nhà để ngựa,…

Kiến trúc mái chồng như những cánh hoa xòe

Bước qua cổng tam quan Ngũ Long Môn (5 con rồng đá được chạm khắc tinh xảo) là một khoảng sân rộng chính giữa đặt lư hương hướng vào nhà Phương Đình. Nơi đây là điện thờ vua Lý Thái Tổ quanh năm hương khói.

Chính điện Đền Đô thờ vua Lý Thái Tổ

Sau nhà Phương Đình là nhà Tiền Tế – nơi trưng bày chiêng trống, đồ tế,… Đây cũng là nơi diễn ra các đại lễ long trọng.

Khu ngoại thất của đền Đô

Gồm có khu đón khách, nhà kho và có thờ thêm hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng. Đền Đô cùng là nơi thờ tự của những vị quan văn, quan võ dưới thời nhà Lý có công phò trợ vua dựng nước, giữ nước. Đền thờ 2 vị quan văn có công với nhà Lý là Tô Hiến Thành và Lý Đạo Thành. Đền thờ những quan võ có tài mưu lược dưới thời nhà Lý là Lý Thường Kiệt, Lê Phụng Hiểu,…

Thủy đình

Bên cạnh những điện thờ chính tại đền Đô, thủy đình tọa lạc ngay bên hồ Bán Nguyệt cũng là một nơi rất đẹp với thiết kế chạm khắc tinh xảo và công phu.

Thủy đình Đền Đô

Ở ngoại thất Đền Đô còn có nhà Thủy đình, Thủy đình rộng 5 gian có kiến trúc chồng diêm 8 mái, 8 đao cong được làm bằng gỗ lim chắc chắn, chạm khắc hoa văn tinh xảo. Nhà Thủy đình nằm trên hồ bán nguyệt, được nối với sân chính bằng chiếc cầu đá. Nhà Thủy đình từng được Ngân hàng Đông Dương xưa chọn là hình ảnh in trên “giấy năm đồng vàng”.

Thủy đình trong tờ tiền giấy ngày xưa

5. Lễ hội đền Đô

Hàng năm, lễ hội đền Đô là một trong những lễ hội linh đình nhất ở Bắc Ninh, được tổ chức vào ngày 14, 15, 16 tháng 3 âm lịch, nhân kỷ niệm ngày vua Lý Công Uẩn lên ngôi và ban chiếu dời đô. Đây là lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Hàng năm, cứ vào mùa lê hội đền Đô, nhân dân Bắc Binh hay cả những người dân ở tỉnh ngoài đều kéo đến rất đông để xem lễ hội.

Trong lễ hội, có lễ trình thánh, rước kiệu long trọng. Trong đám rước có hàng vạn người tham gia từ chùa Kim Đài đến đền Đô (dài khoảng 3km). Dẫn đầu đoàn rước là một đoàn tướng võ, đóng khố, cởi trần, tay cầm chùy đồng và rất nhiều quân sĩ kéo theo.

Tưng bừng lễ hội đền Đô

Sau quân sĩ là 100 người khiêng kiệu mặc áo đỏ, mũ đen. Kiệu đầu tiên là kiệu Thánh Mẫu với 18 nữ tướng theo sau. Đi theo sau là kiệu Bát Đế. Mỗi kiệu một con ngựa và 16 nam tướng mặc áo đỏ. Đi theo sau đoàn là đoàn người mặc lễ phục, hương lão và dân làng. Một hàng người cầm cờ phấp phới và tiếng trống đánh vang trời, đúng với tinh thần lễ hội dân gian tại Việt Nam.

Kết thúc phần lễ là đến phần hội. Phần hội của đền Đô có rất nhiều những trò chơi đặc sắc mang đậm nét văn hóa lễ hội truyền thống như chọi gà, đấu vật, thả chim bồ câu, thi thổi cơm niêu,… vô cùng thú vị.

Tưng bừng lễ hội đền Đô

6. Hiện tượng “Bát Đế Vân Du” tại đền Đô

“Bát Đế Vân Du” là hiện tượng có một không hai tại đền Đô. Đến nay vẫn chưa có ai có thể lý giải được hiện tượng này. Bát Đế Vân Du là hiện tượng tám vầng mây “Long vân hội tụ” xuất hiện vào đúng 8 giờ sáng ngày 5/7/1998. Điều đặc biệt là đây chính là ngày khởi lễ giỗ vua Lý Anh Tông, vị vua thứ 6 của vương triều nhà Lý, là vua cha của hoàng tử Lý Long Tường.

Hiện tượng này còn xuất hiện vào ngày Hà Nội tổ chức “Ngày hội non sông, hướng tới 1000 năm Thăng Long”, khi nhân dân Đình Bảng chuẩn bị rước linh bài của vua Lý Công Uẩn và Chiếu dời đô từ đền Đô ra Hà Nội.

“Bát Đế Vân Du” là hiện tượng có một không hai tại đền Đô

Đền Đô với kiến trúc độc đáo có giá trị nghệ thuật. Nơi linh thiêng, hội tụ linh khí của đất trời. Và là nơi nhân dân đến đền cầu phúc. Mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa đậm nét của vương triều Lý nói riêng và lịch sử dân tộc nói chung. Người dân về với Bắc Ninh, ghé thăm đền Đô, thả hồn mình cùng những ngày tổ tiên ta dựng nước, ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc.

Ghé thăm ngôi Đền Đô có kiến trúc nghìn năm tuổi, tìm hiểu hiện tượng “Bát Đế Vân Du”
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung