Nét đẹp văn hóa đặc sắc của Hội Lim

Có thể thấy, ở mỗi tỉnh, thành trên đất nước ta đều có những lễ hội văn hóa riêng, tạo nên dấu ấn của vùng miền. Nếu Hải Phòng có lễ hội Chọi Trâu, Hà Nội nổi tiếng với lễ hội Chùa Hương… thì Bắc Ninh lại được biết đến với Hội Lim. Đây là lễ hội truyền thống mang đậm dấu ấn của người dân xứ Kinh Bắc. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ đưa các bạn đến với “cái nôi” quan họ Bắc Ninh, giúp bạn có cái nhìn rõ nét hơn về nét đẹp văn hóa nổi tiếng trên.

Nội dung chính

1. Nguồn gốc Hội Lim

Theo như lời kể của người dân Bắc Ninh, Hội Lim được hình thành từ những hội hát, dệt lên từ câu chuyện tình buồn Trương Chi – Mỵ Nương

Tương truyền rằng, Trương Chi là một chàng trai lái đò có vẻ ngoài xấu xí. Nhưng lại được trời phú cho giọng ca say đắm lòng người. Tiếng hát của chàng đã làm động lòng Mỵ Nương – cô con gái nhà quan với vẻ ngoài xinh đẹp, thướt tha.

Dân ca Quan họ Bắc Ninh là nét đẹp truyền thống của hội Lim

Trương Chi đem lòng yêu thích Mị Nương. Nhưng chàng tự ti, mặc cảm với vẻ ngoài của xấu xí. Nên trầm mình xuống dòng Tiêu Tương. Thân xác tan biến, trái tim của chàng hóa thành viên ngọc. Được Mị Nương làm thành chiếc chén uống nước, ngày ngày nhớ thương. Lạ lùng thay, mỗi lần uống nước, Mị Nương lại như nghe thấy giọng hát trong trẻo của Trương Chị. Nàng khóc, nước mắt rơi xuống làm vỡ chén ngọc, hòa vào dòng Tiêu Tương. 

Từ đó, những câu hát của chàng Trương Chi được người dân quanh vùng lưu truyền ngàn đời. Như để gợi nhắc về mối tình tuy đẹp nhưng đẫm nước mắt này.

2. Lịch sử hình thành Hội Lim

Hội Lim là một lễ hội có nguồn gốc lịch sử lâu đời tại Bắc Ninh. Hội được phát triển từ các lễ hội của các làng thuộc tổng Nội Duệ. Đó là: Nội Duệ, Nội Duệ Nam, Nội Duệ Khánh, Xuân Ổ, Lũng Bao và phường hát cửa đình Tiên Du ( Duệ Đông bây giờ). 

Lễ hội diễn ra vào ngày 13 tháng giêng hàng năm.

Hội Lim được phát triển như ngày nay là dựa vào công lớn của viên quận công Đỗ Nguyên Thụy – người thôn Đình Cả, làng Nội Duệ. Ông đã quyên góp đất đai và của cải của bản thân để sửa sang lại đình. Mở rộng và cho tổ chức lại lễ hội vào tháng Tám hàng năm. Góp phần lưu truyền dấu ấn văn hóa lịch sử đến thời nay.

Lễ rước Hội Lim

Ngày nay, hơn 40 năm sau, Hội Lim lại được tiếp tục phát triển về quy mô nhờ sự đóng góp của tướng công Nguyễn Đình Diễn – người con của thôn Đình Cả, làng Nội Duệ. Ông đã dời thời gian tổ chức lễ hội từ mùa thu sang mùa xuân, cụ thể là vào tháng Giêng hàng năm. 

Hội Lim được duy trì tổ chức trong suốt thế kỉ XIX đến nửa đầu thế kỉ XX. Sau đó, do cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ xâm lược, lễ hội bị ngừng tổ chức và được bắt đầu mở lại vào những năm sau đổi mới.

3. Nét văn hóa đặc sắc của Hội Lim

Hội Lim Bắc Ninh thờ ai

Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầungười sáng lập tục hát Quan họ và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim.

Hội Lim diễn ra từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Trong đó, ngày 13 là chính hội với nhiều hoạt động tập trung. Vì vậy mà du khách cũng tập trung du lịch Bắc Ninh vào ngày 13 để có mặt tại hội Lim trong chính hội.

Hội Lim thờ ông Hiếu Trung Hầu – Người sáng lập tục hát Quan họ

Lễ rước 

Hội Lim bắt đầu bằng một lễ rước. Thành phần đoàn rước là những người dân được mặc bộ lễ phục thời xưa với màu sắc sặc sỡ. Trong ngày lễ chính (ngày 13 tháng Giêng) với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân.

Đoàn kiệu rước tại hội Lim

Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc sắc hơn cả là phần hát hội.

Hát dân ca Quan họ cuốn hút và say mê

Truyền thống xa xưa để lại một phong tục cuốn hút và say mê, đặc biệt mà chỉ Bắc Ninh mới có. Đó là các sinh hoạt văn hóa hát dân ca Quan họ – loại hình dân ca đã trở thành tài sản văn hóa chung của dân tộc. 

Hát dân ca Quan họ diễn ra từ ngày 12 tháng Giêng tại Lim (sân chùa Hồng Ân và các trại Quan họ) và khắp tại các chùa, đình. 

Hội hát Quan họ Bắc Ninh diễn ra ở bất cứ nơi đâu: trong nhà, trên sân đình, trước cửa chùa hay bồng bềnh trên những thuyền thúng giữa ao, hồ. Đó là dấu tích xưa của dòng Tiêu Tương đã một thời vang vọng tiếng hát Trương Chi làm say đắm nàng Mỵ Nương xinh đẹp. 

Liền anh khăn xếp áo the, liền chị áo mớ ba mớ bảy, nón thúng quai thao đến hẹn lại lên. Gặp gỡ, đón tiếp nhau thân tình, nồng hậu, tinh tế và lịch lãm theo lề lối của người hát Quan họ. Bằng làn điệu dân ca đạt tới trình độ nghệ thuật cao. Là sự kết hợp nhuần nhuyễn, mê đắm của thơ ca và nhạc điệu. Nhằm bày tỏ tình yêu trong sáng, hết lòng vì người kia, chung thủy một lòng ngóng trông của tình yêu đôi lứa.

Liền chị xinh đẹp

Quan họ trở thành văn hóa phi vật thể

Hội Lim là một lễ hội truyền thống chắc chắn những người yêu thích du lịch hay cả những người yêu nét đẹp văn hóa dân tộc cũng nên trải nghiệm. Những áo mớ bảy mớ ba, nón ba tầm, quai thao, dải yếm lụa sồi, những ô lục soạn, khăn đóng, áo cặp the hoa gấm… Chúng như ẩn chứa cả sức sống mùa xuân của con người và tạo vật.

Cách các ông, các bà tổ chức hội Lim cũng thật đặc biệt. Mỗi biểu tượng, cử chỉ như mang trong mình thứ gì đó tinh tế lạ thường của người kinh Bắc. Bởi vậy, chẳng phải ngẫu nhiên mà Quan họ trở thành văn hóa phi vật thể, nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam.

4. Những hoạt động vui chơi ở Hội Lim

Đấu cờ người ở Hội Lim

Cuộc đấu cờ người thường được tổ chức ở sân đình, sân chùa, hay các bãi đất rộng. Luật lệ như chơi cờ tướng trên bàn. Chỉ khác ở chỗ quân cờ được thay thế bằng người thật.

Những người được chọn làm quân cờ phải là những trai thanh, gái lịch, giỏi giang, con cái của những gia đình có nề nếp trong làng. Các trận thi đấu cờ người thường kéo dài khá lâu. Nhưng vẫn có sức hút với rất đông khán giả. Đặc biệt là những khán giả lớn tuổi.

Đấu cờ người

Hát Quan họ

Hát quan họ tại Hội Lim thường diễn ra ngoài trời. Với những chiếc lều hát nhỏ của các liền anh, liền chị. Vì thế, ai đến hội Lim cũng có thể thưởng thức những làn quan họ mang đậm nét đẹp văn hóa của con người nơi đây.

Ngoài ra, du khách đến tham dự Hội Lim còn được xem và nghe hát sau chùa, hát trên thuyền. Mỗi địa điểm khác nhau sẽ có những làn điệu quan họ riêng.

Đu tiên ở Hội Lim Bắc Ninh

Ai đã được một lần tham dự hội Lim thì có lẽ không thể nào quên những hình ảnh độc đáo của những liền anh – liền chị áo mớ ba mớ bảy nhịp nhàng, tình tứ trong trò chơi đánh đu. Dân gian vẫn thường gọi là “đu tiên”.

Đu tiên

Trò chơi này thường chơi theo từng cặp (một nam – một nữ) cùng đứng trên một giá đu treo giữa những cánh đu làm bằng gốc tre già. Khi đu hai người phải phối hợp nhún thật đồng đều để di chuyển chiếc đu lên cao. Đu càng cao, càng đẹp mắt thì càng được người xem ở dưới vỗ tay, khen ngợi.

Trò đu tiên thường thu hút rất nhiều người tham gia, đặc biệt là những cặp nam thanh, nữ tú.

Đập niêu đất ở Hội Lim

Trò chơi thường diễn ra trên những khoảng đất rộng, bằng phẳng. Ban tổ chức sẽ cử người đóng ở giữa sân hai chiếc cọc tre to, cách nhau 5m. Buộc dây thừng vào hai chiếc cột để làm giá treo niêu. Kẻ một vạch mốc cách giá treo niêu khoảng 3 đến 5m làm điểm xuất phát.

Đập niêu đất

Trước khi chơi, trọng tài sẽ bịt kín mắt và đưa cho người chơi một chiếc gậy dài. Người tham gia chơi đứng dưới vạch mốc. Sau đó phải tự định hình hướng đi. Và ước lượng khoảng cách treo niêu để đập cho trúng một trong những chiếc niêu đang treo trên dây. Những người đứng xem ở bên ngoài sẽ ra sức nhắc và cổ vũ để giúp người chơi đập trúng niêu. Người nào đập trúng sẽ nhận được một phần quà của ban tổ chức.

5. Những món đặc sản ở Hội Lim

Bánh khúc làng Diềm

Chiếc bánh khúc nhỏ xinh của làng Diềm (Yên Phong) nổi tiếng và thu hút nhiều du khách khi tới Hội Lim Bắc Ninh. Bánh khúc làng Diềm có hai loại: nhân hành và nhân đỗ. Bánh khúc nhân đỗ có vị bùi của đỗ, vị ngậy của thịt mỡ và mùi thơm của hạt tiêu. Với bánh khúc nhân hành, hành phải là hành khô, thêm mộc nhĩ, hạt tiêu, rau răm, thịt ba chỉ băm nhỏ trộn lẫn với nhau.

Bánh khúc làng Diềm

Bánh Phu Thê Đình Bảng

Bánh dù chỉ được gói bằng những tấm lá dong đơn sơ. Nhưng khi bánh Phu Thê được bóc ra thì thực sự khiến nhiều người ngỡ ngàng. Dưới lớp vỏ bánh trong suốt có rắc lấm tấm những hạt vừng đen, nhân bánh dần hiện ra.

Bánh Phu Thê Đình Bảng

Ngoài đỗ xanh đãi sạch vỏ đã được hấp chín đánh tơi, người ta còn cho thêm đường trắng, cùi dừa, hạt sen và các hương ngũ vị. Bánh gói xong được buộc dây rơm nếp, đem đi luộc. Rồi úp bụng hai chiếc bánh vào nhau, dùng lạt đỏ buộc thành cặp.

Bánh tro Đình Tổ

Bánh tro có vị thơm mát, ngọt ngào, hình dáng bé xinh mềm mại. Nếu một lần được thưởng thức thứ quà quê này, chắc chắn sẽ khiến du khách nhớ mãi dư vị của nó.

Chỉ có tết Đoan Ngọ thì mới có dịp để thưởng thức hương vị của loại bánh này. Bánh tro ăn kèm với mật mía hoặc đường càng làm cho mùi vị trở nên ngọt ngào, hấp dẫn.

Bánh tro Đình Tổ

Nem làng Bùi

Nem làng Bùi được rất nhiều người ưa chuộng. Vì mang hương vị đúng “chuẩn” làng nghề, vừa thơm ngon, cầu kỳ, tinh tế lại vừa an toàn vệ sinh.

Nem Bùi được “khai sinh” từ làng Bùi Xá, huyện Thuận Thành. Nghề làm nem được truyền từ đời này sang đời khác, trải qua hàng trăm năm.

Nem làng Bùi

Bánh tẻ làng Chờ

Bánh tẻ làng Chờ dẻo chứ không nhão, nát như những bánh giò mà bạn thường thấy. Bánh vừa giòn lại vừa có vị đậm, vị béo của nhân, thơm của mùi lá. Nó không thể lẫn vào thứ bánh tẻ nào khác được.

Bánh tẻ làng Chờ

Hội Lim gần như hội tụ đầy đủ những nét tinh túy, đặc sắc của văn hóa tín ngưỡng dân gian, của cộng đồng người Việt trước đây. Đồng thời, nó mang nét đặc thù riêng có của quê hương Quan họ. Hội Lim vùng Quan họ đã thực sự trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Việt Nam nói chung và người dân Bắc Ninh nói riêng.   

Nét đẹp văn hóa đặc sắc của Hội Lim
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung