Lễ hội chùa Dâu – Lễ hội tìm về Phật tổ linh thiêng

“ Dù ai đi đâu về đâu
Hễ trông thấy tháp chùa Dâu thì về
Dù ai buôn bán trăm bề
Tháng Tư ngày Tám thì về hội Dâu”


Những câu thơ trên không biết lưu truyền trong dân gian tự khi nào. Nó đã trở nên gần gũi và tự hào với những người dân miền quan họ. Dường như, trong tâm thức người dân Bắc Ninh, lễ hội chùa Dâu đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tín ngưỡng. Là nơi người dân gửi gắm niềm tin của mình với các đấng thần linh.

Nội dung chính

1. Chùa Dâu ở đâu

Chùa Pháp Vân (chùa Dâu) là ngôi chùa đầu tiên của Phật Giáo Việt Nam chứng tích cho sự truyền thừa Phật Giáo Việt có nguồn gốc truyền từ Ấn Độ. Nơi thể hiện sự hòa mình nhập thế của đạo phật với tâm niệm tùy duyên bất biến được hiện rõ qua hình tượng Tứ Pháp.

Chùa nằm phía nam cổ thành Luy Lâu, trên một khu đất rộng bên bờ sông Thiên Đức cũ ( nay thuộc thôn Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh). Xa xưa, người dân ở đây thường sống bằng nghề trồng dâu, nuôi tằm và cấy lúa nước nên dân gian xưa gọi là vùng dâu hoặc Kẻ Dâu.

Toàn cảnh chùa Dâu từ trên cao

2. Sự tích huyền bí về chùa Dâu

Theo những sử liệu cổ ghi chép lại, chùa Dâu được xây dựng vào năm 187 và hoàn thành năm 226. Chính vì vậy đây được coi là chốn Tổ đình (ngôi chùa đầu tiên của Việt Nam) được xây dựng và tiếp nhận Phật giáo từ Ấn Độ sang.

Chùa Dâu gắn với huyền tích Phật mẫu Man Nương và tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện), là biểu hiện sinh động sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tín ngưỡng dân gian của người Việt với Phật giáo thời điểm mới du nhập.

Chùa Dâu trong ngày hội

Tương truyền, nàng Man Nương, người làng Mãn Xã (nay thuộc xã Hà Mãn, Thuận Thành) dốc tâm học đạo Phật, một hôm nằm ngủ quên, thiền sư Khâu Đà La (thiền sư ở Ấn Độ) vô tình bước qua mà bỗng nhiên mang thai. Sư Khâu Đà La dặn rằng, đó là con của Phật.

20 tháng sau, Man Nương sinh hạ một con gái vào ngày 8/4 (ÂL), đem đến chùa trả lại thiền sư. Ông dùng cây tầm xích gõ vào cây Dung Thụ (cây dâu) ở cạnh chùa, ngay lập tức cây dâu tách ra, thiền sư để đứa trẻ vào trong, cây lại khép vào.

Ban thờ Pháp Vân (bà Dâu) tại thượng điện chùa Dâu

Nhiều năm sau đó, có trận mưa bão lớn, cây dâu bị gió bão quật đổ xuống sông Dâu rồi trôi về Luy Lâu (nay là xã Thanh Khương, Thuận Thành). Khi đó, Thái thú Sỹ Nhiếp cho quân lính vớt lên để làm nóc điện Kính Thiên, nhưng không ai lay chuyển nổi. Hôm ấy, Man Nương đi qua liền xuống sông, buộc dải yếm vào và nói: “Có phải con mẹ thì đi lên theo mẹ” thì lập tức kéo cây lên dễ dàng.

Pháp Vũ chùa Dâu

Thấy chuyện lạ, Thái thú Sỹ Nhiếp tuyển mời người tạc tượng Tứ pháp gồm Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện tượng trưng cho Mây, Mưa, Sấm, Chớp để thờ. Bốn bức tượng được đặt ở bốn ngôi chùa khác nhau gồm Chùa Dâu, Chùa Đậu, Chùa Dàn, Chùa Tướng.

Theo truyền thuyết, khi thợ tạc tượng thấy trong thân cây một khối đá bèn vứt xuống sông. Đến đêm thấy lòng sông rực sáng, Thái thú cho người lội xuống vớt nhưng dùng mọi cách đều không thể vớt được. Chỉ khi Man Nương đi thuyền ra giữa sông thì khối đá tự nhiên nhảy vào lòng. Khối đá ấy được gọi là Thạch Quang Phật (Phật đá tỏa sáng) đến nay vẫn được thờ ở chùa Dâu.

Bức tượng vị La Hán tại chùa Dâu

Huyền tích về nàng Man Nương thực chất đó là cuộc hôn phối giữa đạo Phật với tín ngưỡng dân gian, là tiền thân của tứ Pháp thờ ở vùng Dâu, Luy Lâu rồi lan tỏa ra nhiều vùng khác. Ngày mồng 8/4 không chỉ là ngày sinh Phật Thích Ca (Ấn Độ) mà còn là ngày sinh của Phật Tứ Pháp ở nước ta.

3. Hội chùa Dâu

Chùa Dâu được coi là một ngôi chùa linh thiêng nên còn được gọi là chùa Diên Ứng( diên là cầu, ứng là hiệu, tức cầu gì được nấy). Các đời vua của các triều đại xa xưa đã từng về chùa Dâu để rước tượng Pháp Vân về chùa Báo Thiên (Hà Nội), để cầu đảo (cầu mưa cầu gió). Vua Lý Thánh Tông cũng đã về chùa cầu tự, khi đi thuyền trên sông đã gặp nguyên phi Ỷ Lan.

Tháp Hòa Phong sừng sững giữa sân chùa Dâu

Chùa Dâu ngày nay là kiến trúc tu sửa từ thế kỉ 17-18, thời Hậu Lê. Chùa chính được bố cục theo kiểu “ nội công ngoại quốc”, nằm trong khuôn viên hình chữ nhật 30x70m, bao gồm tiền đường, tháp Hòa Phong, tả trường lang, hữu trường lang, đại bái đường, Phật điện, cung cấm, hậu đường, Thạch Quang am.

Lễ hội chùa Dâu

Hội chùa Dâu diễn ra trong 2 ngày mồng tám và mồng chín tháng 4 âm lịch, ngày mồng tám là ngày hội chính. Hoạt động chính của hội là các làng tổ chức rước các tượng Pháp Vân (bà Dâu), Pháp Vũ (bà Đậu), Pháp Lôi (bà Tướng), Pháp Điện (bà Dàn) từ các chùa của làng mình về chùa Dâu “công đồng” (hội tụ các yếu tố Mây+ Sấm +Chớp= Mưa), đám rước gồm ngựa thờ, cờ lọng, cống bát quái,…

Điều đặc sắc, ấn tượng nhất là khi tới chùa Dâu thì diễn ra trò “mẹ đuổi con”. Kiệu bà Dâu, bà Đậu, bà Tướng, bà Dàn, mỗi kiệu được rước chạy 03 vòng rồi trở về chỗ cũ.

Đoàn rước

Sau đó diễn ra trò “cướp nước” được đón đợi nhiều nhất, khi có hiệu lệnh, kiệu bà Tướng (bà Sấm, bà Đậu (bà Mưa) đua nhau rước chạy ra tam quan. Kiệu rước bà nào đến trước thì bà đó được nước, là thắng. người dân quan niệm rằng, nếu là bà Đậu thì năm ấy được mùa, nếu là bà Tướng thì năm ấy ruộng đồng lắm sâu, nhiều đỉa, làm ăn trắc trở.

Dự hội Dâu, khách thập phương còn được chiêm bái dung nhan Tượng Phật Tứ Pháp là một trong những Bảo vật Quốc gia hội tụ nhiều giá trị đặc sắc. Vẻ đẹp gợi cảm, nữ tính của các tượng Tứ Pháp vùng Dâu luôn được thiên hạ chiêm ngưỡng, ngợi ca. Nghệ thuật tạo tượng Tứ Pháp bảo lưu đậm nét cách tạo hình của Phật giáo Ấn Độ nguyên thuỷ kết hợp với đặc trưng văn hoá bản địa để tạo nên sản phẩm nghệ thuật Phật giáo mang màu sắc Việt Nam. Giới chuyên gia cho rằng, việc nghiên cứu hệ thống tượng Tứ Pháp không chỉ cho hiểu biết về cội nguồn lịch sử Phật giáo Việt Nam mà còn giúp hiểu rõ hơn về nguồn gốc, quá trình phát triển của Phật giáo vùng Đông Nam Á.

Đoàn rước lộng lẫy

Lễ hội chùa Dâu là cơ hội để tìm về Phật tổ linh thiêng, bên cạnh đó là tìm hiểu các nghi thức tín ngưỡng dân gian độc đáo, thể hiện lòng biết ơn đối với thần linh và những ước mơ về cuộc sống ấm no của người dân làm nông nghiệp. Bởi vậy không chỉ với người dân vùng Bắc Ninh, lễ hội chùa Dâu còn thu hút rất nhiều khách thập phương đến tham dự.

Lễ hội chùa Dâu – Lễ hội tìm về Phật tổ linh thiêng
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung