Nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc trong Lễ hội Đền Bà Chúa Kho

Cứ mỗi dịp đầu xuân năm mới, hàng nghìn người từ khắp mọi nơi lại đổ về huyện Bắc Ninh tham dự lễ hội đền Bà Chúa Kho để cầu mong may mắn, tài lộc, làm ăn tấn phát. Đây là một trong những lễ hội lớn nhất tại Bắc Ninh với nhiều hoạt động thú vị mà bạn không nên bỏ lỡ nếu có dịp tới Bắc Ninh. Hãy cùng tìm hiểu về lễ hội này nhé!

Nội dung chính

1. Thời gian diễn ra Lễ hội Đền Bà Chúa Kho

Lễ hội Đền Bà Chúa Kho được diễn ra vào ngày 14 tháng giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức tại đền Bà Chúa Kho, thôn Cổ Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Mặc dù ngày 14 tháng Giêng mới là ngày hội chính nhưng ngay từ những ngày đầu xuân hàng ngàn du khách thập phương đã đổ về đền Bà Chúa Kho để lễ bái và kéo dài trong cả tháng Giêng.

Cổng lên Đền Bà Chúa Kho

2. Sự tích Đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh

Theo dân gian tương truyền, Bà Chúa Kho là con gái trong một gia đình nghèo khó tại làng Quả Cảm. Bà có dung nhan xinh đẹp lại thông minh, khéo léo, được vua Lý lấy về và phong là Linh Từ Quốc Chế. Bà chính là người chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng nương tại làng Quả Cảm, Cô Mễ và Thượng Ðồng. Bà cũng giúp vua Lý và triều đình tổ chức sản xuất, tích trữ và trông nom kho lương thực tại núi Kho

Ngày 12 tháng Giêng năm Đinh Tỵ (năm 1077), trong cuộc kháng chiến chống quân Tống, khi đang phát lương thực cứu đói cho dân làng, Bà đã bị giặc sát hại. Vua Lý vô cùng thương tiếc đã hạ chiếu phong Bà là Phúc Thần. Người dân Bắc Ninh đã lập đền thờ để tỏ lòng biết ơn Bà tại kho lương thực cũ nơi bà từng trông coi ở Núi Kho và gọi bà với sự tôn kính là Bà Chúa Kho. Tháng giêng hàng năm, người dân tại đây lại tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn đến Bà Chúa Kho – lễ hội được gọi là hội Đền Bà Chúa Kho.

Đền Bà Chúa Kho

3. Đôi nét về tín ngưỡng Bà Chúa Kho

Trong hệ thống thần linh của tín ngưỡng người Việt thì hình tượng Bà Chúa Kho rất độc đáo. Bà vừa là một nhân vật huyền thoại, vừa là một nhân vật lịch sử. Việc suy tôn Bà có sự hội tụ của truyền thống sùng bái nữ thần và sự tôn vinh người anh hùng có công khai phá đất đai, gây dựng cộng đồng, hy sinh tính mạng để bảo vệ đất nước. Ở nước ta có 3 Bà Chúa Kho được phong Phúc Thần, đó là Bà Chúa KhoNam Định, Bà Chúa Kho ở Giảng Võ (Hà Nội), và nổi tiếng nhấtBà Chúa Kho ở Bắc Ninh.

Do có tiếng thiêng lâu đời, nên yếu tố tâm linh và sự phong phú về đồ lễ ở đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh thì hiếm ngôi đền nào trên cả nước sánh được. Mặc dù tiền vay-tiền trả đều chỉ là vàng mã, tức là chỉ mang tính ước lệ, nhưng giá của những thứ đó có thể lên đến hàng triệu tiền thật. Bởi người ta quan niệm rằng, đồ lễ hậu hĩnh để vừa làm đẹp lòng thần thánh, vừa kỳ vọng trong làm ăn thực tế sẽ đạt được lợi nhuận tương xứng với mức chi phí đã bỏ ra.

Dòng người tấp nập đi Đền Bà Chúa Kho

Điều đó đã tạo cho hệ thống đồ lễ có hẳn một thang bậc quy tắc: vàng đỏ cho đức thánh Trần, vàng xanh cho ban Chúa, cành vàng lá ngọc bằng giấy trang kim dâng lên Mẫu, đôi ngựa hầu bằng giấy phất nan tre cúng vào ban Quan Tam phủ… tất cả được thiêu thành tro để gửi về nơi thánh thần. Còn các lễ mặn như thịt lợn, thịt gà; các lễ chay như xôi, oản, hoa quả… sau khi lễ xong thì chia cho mọi người đem về thụ hưởng coi như lộc Bà ban.

Hành động “vay- trả” thể hiện cảm quan duy tâm vốn phổ biến trong giới kinh doanh người Việt và Á Đông. Việc đi lễ đền Bà Chúa kho mang đến cho họ một tâm thế tự tin để khởi sự công việc trong năm vì sẽ có thần linh phù hộ. Mặt khác, nguyên tắc đã “vay” thì có “trả” được những người đi lễ ý thức như một cam kết tâm linh, khiến họ không ngừng cố gắng vươn lên để giữ “chữ tín” với Bà. Với ý niệm này, tâm linh và thế tục đã có sự hòa quyện.

4. Lễ hội Đền Bà Chúa Kho Bắc Ninh

Tuy 14 tháng Giêng là ngày chính của Lễ hội Đền Bà Chúa Kho ở Bắc Ninh, nhưng ngay từ những ngày đầu xuân năm mới, kéo dài trong cả tháng Giêng, cụ thể là từ sau khi kim đồng hồ chuyển qua thời khắc giao thừa, thì dòng người lại đổ về đây nườm nượp.

Dòng người nườm nượp đổ về đây

Có người cầu an, cầu lộc, nhưng đa phần đến để “vay vốn” Bà Chúa Kho. Họ mong cho một năm vốn liếng dồi dào, làm ăn phát đạt… Tâm lý “vay vốn” của người dân cũng bắt nguồn từ những huyền tích xưa, và được củng cố thêm rằng “dù trải qua kháng chiến ác liệt thì ngôi đền này vẫn trụ vững”.

Nghi thức “vay vốn” cũng rất rõ ràng, người ta ghi trong sớ là vay bao nhiêu, làm gì, và bao lâu sẽ trả. Thậm chí có người còn hứa là vay 1 trả 3, trả 10… với quan niệm đã vay thì phải trả, nên dù có làm ăn tốt hay không, người ta vẫn giữ đúng lời hứa. Tức là tạ lễ cuối năm ở đền Bà Chúa Kho.

Trong dịp lễ hội, xung quanh đền có hàng trăm cửa hàng bán đồ cúng tế, đông đúc người vào ra. Mâm lễ được khách hành hương mua sắm tùy tâm, khi đơn giản là thẻ hương, bông hoa với vài ba tập tiền âm phủ, cầu kỳ thì con gà đĩa xôi, hay một mâm ngũ quả đủ đầy… chủ yếu là thành tâm cầu khấn.

Nghiêm túc thực hiện theo các biển chỉ dẫn

5. Những nghi lễ cần biết khi “vay vốn” ở Đền bà Chúa Kho

Mặc dù chỉ là nghi lễ tâm linh nhưng muốn nguyện ước linh ứng thì phải thành tâm khi “vay vốn” Bà chúa Kho và giữ đúng lời hứa. Theo ban Quản lý đền, việc “vay” bao nhiêu, bao giờ trả là tùy mỗi người. Nhưng có “vay” thì phải có “trả”. Dù có làm ăn lãi lời hay thua lỗ thì khi đã hứa với Bà Chúa Kho là trả thì phải giữ đúng lời hứa. Đó cũng chính là chữ “Tín” mà chúng ta cần tuân thủ trong cuộc sống hiện thực. 

Người dân nô nức cầu tài lộc

Việc sắm lễ của người dân khi đến Đền hoàn toàn là tùy tâm. Lễ vật dâng lên Đền bà Chúa Kho có thể đa dạng. Tuy nhiên bạn cũng phải chú ý những điều kiêng kị:

Dâng lễ

Lễ chay: Gồm hương hoa, trà, quả, phẩm oản… Phần lễ chay dùng để dâng ban Thánh Mẫu.

Lễ mặn: Bạn có thể mua đồ chay hình tướng gà, lợn, hoặc dùng đồ mặn là thịt lợn, thịt gà,…

Lễ đồ sống: Tuyệt đối không sắp đồ lễ sống (trứng, gạo, muối, thịt). Tại các ban quan Ngũ hổ, Bạch xà, Thanh xà ở hạ ban Công Đồng Tứ Phủ.

Cỗ Sơn Trang: Bao gồm đặc sản chay Việt Nam. Lưu ý là không được dùng  cua, ốc, lươn, ớt, chanh quả…

Lễ ban thờ Cô, thờ Cậu: Thường gồm oản, quả, hương hoa,… Ngoài ra, bạn có thể chuẩn bị gương, lược,… Những đồ mã mô phỏng đồ chơi mà người ta thường làm cho trẻ nhỏ. Những lễ vật này nhỏ nhắn, được làm cầu kỳ, và được gói trong những túi nhỏ đẹp mắt.

Lễ thần Thành Hoàng, Thư Điền: Phải cúng đồ chay mới có phúc và những lời cầu nguyện mới được linh ứng.

Các mâm lễ được thành tâm chuẩn bị

Hạ lễ

Sau khi dâng lễ và khấn ở các ban thờ. Bạn phải đợi hết một tuần nhang mới được hạ lễ. Trong khi đó, người dân có thể viếng thăm phong cảnh trong nơi thờ tự. Thắp hương xong, bạn vái 3 vái trước mỗi ban thờ rồi mới được hạ sớ và hóa vàng. Hoá sớ xong thì hạ lễ, từ ban ngoài cùng vào đến ban chính. Riêng các đồ lễ ở bàn thờ Cô, thờ Cậu như gương, lược… thì để nguyên trên bàn thờ chứ không được đem về.

Ngôi Đền linh thiêng

Đền Bà Chúa Kho là trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của người dân miền Bắc. Đền là nơi tổ chức lễ hội truyền thống của nhân dân địa phương vào ngày 14 tháng Giêng với nhiều nghi lễ và trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Nhân dịp đầu xuân, bạn đừng bỏ qua cơ hội đến cầu tài lộc, may mắn tại đền nhé.

Nét văn hóa tín ngưỡng đặc sắc trong Lễ hội Đền Bà Chúa Kho
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung