1. Giới thiệu về lịch sử khu phố cổ thành Nam
Phố cổ Nam Định xưa kia có tới 40 phố, trong đó có 35 phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” như: Hàng Sắt, Hàng Đồng, Hàng Kẹo, Hàng Giấy, Hàng Rượu, Hàng Hàn,…
Phố cổ thành Nam hay phố cổ Nam Định là khu vực gồm những con phố nhỏ nằm sát ngôi thành cổ. Nó trải dài theo ven bờ sông Vị Hoàng xưa (sông Đào, hay còn gọi là sông Nam Định). Hai mặt tường thành phía Nam và phía Đông của thành Nam Định thời Nguyễn, gắn liền với gần 800 năm phát triển của Thành Nam cùng các triều đại Trần, Hồ, Lê, Mạc, Tây Sơn, Nguyễn, thời kỳ Pháp thuộc.

Bạn không chỉ được khám phá nghệ thuật kiến trúc cổ kính mà còn được tìm hiểu về lịch sử của phố cổ thành Nam. Nơi đây từ rất sớm đã trở thành trung tâm văn hoá, tôn giáo của Việt Nam từ thế kỷ XIII. Năm 1262, nhà Trần cho xây dựng phủ Thiên Trường, đặt dấu mốc đầu tiên cho thành phố Nam Định sau này. Vùng đất trù phú này đã nhiều lần được đổi tên từ Thiên Trường, Vị Hoàng, Sơn Nam, Thành Nam và đến ngày nay là Nam Định.

2. Kiến trúc cổ mang phong cách thuần Việt
Nếu bạn từng đến phố cổ Thành Nam chắc chắn bạn sẽ hình dung ngay một góc trời lợp bóng hoa gạo – một loài cây biểu tượng cho sự hiên ngang, ý chí vững trãi của người dân thành phố anh hùng đang rực cháy trong tiết trời tháng ban dọc đường Văn Miếu, ngã tư Cửa Đông và hồ Vị Xuyên. Cầu Đò Quan hiện nay thay cho bến Đò Quan xưa nối đôi bờ sông Đào mở ra sự phát triển thịnh vượng về một thành phố khang trang, rộng lớn ở 2 bên bờ sông.

Những con phố được giữ nguyên tên gọi cổ như: Hàng Tiện, Hàng Thao, Hàng Đồng, Hàng Cấp… vẫn còn bóng dáng của những ngôi nhà cổ mang phong cách thuần Việt với mái ngói cũ kỹ lợp màu rêu phong, hay những ô cửa gỗ đã bạc màu theo dòng thời gian. Xong những kiến trúc cổ kính vẫn hòa nhịp một cách hài hòa đan xen bên kiến trúc hiện đại ngày nay. Tuy nhà cổ mang phong cách Việt xưa còn ít nhưng nó vẫn là nền tảng cực kỳ giá trị của những kiến trúc cổ xưa.

3. Kiến trúc đậm phong cách Pháp
Nổi bật kiến trúc cổ trên khu phố cổ Nam Định thì phải nhắc đến khu phố Hàng Đồng – con phố tuy được cải tạo nhưng vẫn giữ lại những nét kiến trúc Pháp đặc trưng với hệ mái vòm cong cong đan xen những hoa văn độc đáo nhìn không lẫn vào đâu được. Trải qua vết hằn của thời gian, những ngôi nhà mang kiến trúc Pháp cổ đã phôi phai sắc màu, giữa lớp sơn màu vàng tươi chính là sự xuất hiện của những vết mốc rêu phong phủ kín trên những bức tường xưa cũ kỹ, hay những mảng vữa cứ thế rụng rơi xuống tạo thành một dấu ấn xưa của khu phố cổ hoài niệm, giản đơn nhưng không kém phần nhộn nhịp.

4. Khám phá phố cổ thành Nam
Khu phố cổ thành Nam xưa buôn bán, sản xuất mặt hàng gì thì phố mang tên mặt hàng đó, vì vậy, trên cùng một đường dài, có thể có nhiều phố.
Ở phía Đông trên bờ sông Vị, có phố Hàng Cót và Hàng Nâu do dân thôn Thi Thượng làng Vị Hoàng lập ra. Người Bát Tràng ở Gia Lâm đưa hàng xuống bán thì lập Hàng Bát, Hàng Mâm, Hàng Song.

Từ chợ Rồng ra bờ sông Vị Hoàng là các phố Hàng Nón, Hàng Khay, Hàng Quỳ, Hàng Tiện, Hàng Cấp, Pháp đặt tên đường phố này là Henri Rivière. Ra bờ sông Vị Hoàng là phố Hàng Đồng. Lên phía Bắc có phố Hàng Mắm, Hàng Gà nay là phố Lý Thường Kiệt. Chạy song song với Hàng Đồng gồm: Hàng Thùng, Hàng Giấy, Hàng Mành, Hàng Cầm. Song song với bờ sông Đào là phố Hàng Sũ, Hàng Ghế nay là phố Phan Đình Phùng và phố Hàng Thao.

Từ chợ Rồng xuống sông Đào gồm: Hàng Màn, Hàng Rượu, Hàng Thiếc, Hàng Đàn và Hàng Cau. Song song với dãy phố này còn một dãy phố nữa gồm: Hàng Mã, Hàng Mũ, Hàng Giấy, Phố Khách, Hàng Lọng, Hàng Dầu nay thuộc phố Hoàng Văn Thụ.
Trải qua nhiều thăng trầm, biến cố, khu phố cổ thành Nam vẫn giữ được nét cổ kính rêu phong và in dấu một thời vàng son của lịch sử. Đây chính là nét đặc sắc thu hút khách du lịch mà không phải khu phố hay điểm đến lịch sử nào cũng giữ lại được. Vẫn là nét cổ kính ấy dù trải qua bao nhiêu năm vẫn còn nguyên vẹn. Vẫn những con người nồng hậu, chân chất ấy, họ vẫn ở đây. Không gian và cảnh vật như ngược về quá khứ để du khách lạc vào một thế giới của sự bình yên, tránh xa những ồn ào, tấp nập của đô thị hiện đại, hòa mình vào cuộc sống an yên nơi phố cổ giữa lòng thành Nam.

5. Nét riêng ẩm thực phố cổ thành Nam
Khám phá phố cổ thành Nam, nhất định phải thưởng thức hương vị thơm ngon của phở bò, bún chả, bún đũa, bánh gối, bánh bột lọc, bánh bèo, bánh cuốn làng Kênh,… được bày bán ở phố Hàng Tiện, Hàng Sắt, Hàng Đồng, hay chợ Diên Hồng, chợ Rồng. Các món ăn đã tạo nên một nét rất riêng trong ẩm thực phố cổ Nam Định, khiến du khách nhớ mãi chẳng quên dù chỉ thử một lần.


Tới khu phố cổ thành Nam, bạn như được trở về những năm tháng lịch sử trong không gian cổ kính, trong lối kiến trúc tinh tế dưới bàn tay nghệ nhân. Không có sự ồn ào, sa hoa chỉ có không gian tĩnh lặng, hoài cổ. Thật không quá lời khi gọi đây là một tác phẩm nghệ thuật của lịch sử.