Tham gia lễ hội và tìm hiểu những tích linh thiêng, huyền bí về đền Cờn

Đền Cờn thuộc làng Phương Cần, phường Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) đã từ lâu được mệnh danh là ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ với câu ca còn lưu truyền “Nhất Cờn, nhì Quả, Bạch Mã, Chiêu Trưng”. Hàng năm, lễ hội Đền Cờn là lễ hội thu hút hàng vạn người dân và du khách thập phương về tham dự.

Nội dung chính

1. Đền Cờn ở đâu

Cách thành phố Vinh 75km về phía Bắc, đền Cờn (phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An) được xem là ngôi đền linh thiêng nhất, đứng đầu 4 ngôi đền nổi tiếng xứ Nghệ (vùng Nghệ Tĩnh trước kia): Nhất Cờn, nhì Quả, tam Bạch Mã, tứ Chiêu Trưng. Các sự tích dân gian huyền bí xen lẫn dấu ấn tiền nhân, cùng với cảnh trí tươi đẹp khắc họa đền Cờn, trở thành điểm đến không thể thiếu khi về xứ Nghệ.

2. Thời gian tổ chức lễ hội đền Cờn

Lễ hội đền Cờn được tổ chức ngày 20 – 21 tháng Giêng (âm lịch) hàng năm. Đây là lễ hội truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất của Xứ Nghệ, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự. Lễ hội mang đậm nét văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người dân miền biển.

Đền Cờn linh thiêng

3. Đền Cờn thờ ai

Đền Cờn thờ Tứ vị Thánh nương, được mệnh danh là ngôi đền linh thiêng bậc nhất xứ Nghệ. 

Cùng với chiều dài lịch sử, tục thờ Tứ vị Thánh nương đã có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống của người dân làng Cờn nói riêng, những người buôn bán, đánh bắt trên sông nước nói chung. Và từ khi lập đền, ngư dân quanh vùng mỗi khi ra khơi, thành tâm vào đền cầu khấn thì đều được bình an. Truyền thuyết dân gian kể lại rằng, từ khi lập đền Cờn, ngư dân quanh vùng mỗi khi ra khơi vào lộng, thành tâm vào đền cầu khấn thì đều được bình an, may mắn.

Tượng “Tứ vị Thánh Nương” được thờ ở đền Cờn trong

4. Những tích linh thiêng, huyền bí về đền Cờn

Được dựng lên để thờ Tứ vị Thánh nương, nhưng xung quanh đền Cờn tồn tại nhiều truyền thuyết.

Có tích lưu truyền: Tứ vị Thánh nương gồm Thái hậu Dương Nguyệt Quả, Quách Thị hoàng hậu, cùng hai công chúa. Lại có truyền thuyết cho rằng: Tứ vị Thánh nương là Thái hậu và 3 công chúa. Và trong dân gian làng chài cổ Phương Cần (nay là phường Quỳnh Phương) lại tin rằng, đức Thánh nữ được thờ phụng trong đền Cờn là một bậc cung phi của nước Việt… Tuy mỗi câu chuyện có những tình tiết khác nhau, nhưng tất cả đều ẩn chứa sự linh thiêng, huyền bí, là nguồn gốc để hình thành nên giá trị tâm linh độc đáo của đền Cờn.

Toàn cảnh Đền Cờn

Theo thần phả tại đền Cờn và một số tài liệu lịch sử như Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí: năm Hưng Long thứ 19 (1311), vua Trần Anh Tông thân chinh đi đánh quân Chiêm Thành, khi đến cửa Cờn thì dừng lại nghỉ ngơi. Nửa đêm, vua nằm mộng thấy nữ thần muốn giúp mình lập công đánh giặc. Sáng hôm sau, Vua cho mời các bô lão trong vùng đến hỏi mới rõ sự tích đền Cờn, liền vào kính tế. Sau đó, vua dẫn quân đi đánh giặc và thắng lớn.

Khi trở về kinh đô, vua làm lễ phong sắc “Đại Càn quốc gia Nam Hải Tứ vị Thánh nương”, ban vàng bạc và cho mở rộng đền Cờn. Năm Hồng Đức thứ nhất (1470), vua Lê Thánh Tông trên đường mang quân đánh dẹp phương Nam cũng dừng chân tại đây và vào đền làm lễ cầu đào. Nhờ Tứ vị Thánh Nương hiển linh phù trợ, nhà vua đã đánh thắng giặc.

Năm 1472, nhằm báo đáp Tứ vị Thánh nương đã phù giúp, vua Lê Thánh Tông đã cho trùng tu lại đền Cờn trong và dựng thêm một ngôi đền nữa (gọi là đền Cờn ngoài, cách đền Cờn trong khoảng 1km). Sang thế kỷ 18, vua Quang Trung đã sắc phong cho đền Cờn với mỹ tự “Hàm hoằng quảng đại” (công lao rộng khắp, to lớn) và “Hàm chương tiết liệt” (nêu gương tiết liệt cho muôn đời).

Lễ rước kiệu

5. Đền Cờn được xây dựng bao giờ

Đền Cờn (gồm cả đền Cờn trong và đền Cờn ngoài) được nhiều thế hệ người dân xứ Nghệ biết đến bởi mang đậm dấu ấn lịch sử và sự tích kỳ bí. Theo sử sách, đền Cờn trong được xây dựng vào thời Trần (năm 1235), phát triển quy mô lớn ở thời Lê, trùng tu nhiều ở thời Nguyễn, bởi vậy nên mang đậm phong cách văn hóa cuối Lê đầu Nguyễn. Đây là công trình kiến trúc nghệ thuật độc đáo đã được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa Quốc gia năm 1993.

Đền Cờn trong được dựng trên một cồn cao bên bờ sông Mai uốn khúc. Đối diện với đền về phía Tây là dãy núi Voi như bức tường thành thiên tạo hùng vĩ. Núi Xước nhấp nhô ở phía Tây Bắc như dáng con rồng đang cuốn nước về biển khơi. Sông Mai phân thủy đôi dòng, uốn lượn trước cửa đền rồi mới xuôi về biển. Vì thế, văn phú làng Phương Cần có câu: Núi chầu qua, dù dương lớp lớp, nghìn non trở lại tiền đường/ Sông kéo đến, khúc uốn quanh co, muôn nước thu về một nẻo. Đền Cờn ngoài nằm sát biển, trên dải núi Thằn Lằn ngay tại nơi cao nhất của dải núi, thờ các vị thần như: Đế Bính, Trương Thế Kiệt, Lục Tú Phu….

Một góc đền Cờn trước ngày khai hội

Trải qua nhiều thời kỳ lịch sử của dân tộc, nhiều lần trùng tu, năm 1993 đền Cờn được công nhận di tích văn hóa quốc gia. Với tuổi đời gần 800 năm, “Đệ nhất linh từ” của xứ Nghệ từ xưa tới nay đền Cờn luôn là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa về vãn cảnh. Hàng năm, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội thành tâm, tôn kính và đông đảo nhân dân nhiều nơi về tham dự… Đền Cờn sừng sững uy nghi, như được choàng một màn sương khói đầy màu sắc huyền thoại, huyền bí.

6. Lễ hội đền Cờn

Trước đây, Lễ hội Đền Cờn được nhân dân tổ chức hàng năm cầu mong một năm trời yên, biển lặng, đánh bắt nhiều hải sản, cầu lộc, cầu yên; là một sinh hoạt văn hóa dân gian cổ truyền mang đậm sắc thái địa phương của các làng ven biển ở Quỳnh Lưu. Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, lễ hội không được tổ chức và đến năm 1999 mới được phục hồi.

Lễ hội đền Cờn thu hút nhiều du khách tham gia

Cũng chính vì sự linh thiêng của ngôi đền mà hằng năm, đông đảo du khách thập phương đổ về đây, để cầu mong những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình. Gắn với hoạt động văn hóa tâm linh của ngôi đền thiêng nhất xứ Nghệ này, người dân tổ chức lễ hội đền Cờn để cầu mong mưa thuận, gió hòa, trời yên biển lặng, tôm cá đầy ghe. Lễ hội đền Cờn được tổ chức từ ngày 19 đến ngày 21 tháng Giêng âm lịch, với các nghi lễ: Rước kiệu từ đền trong ra Đền ngoài và rước kiệu từ đền ngoài vào Đền trong (hai đường thủy – bộ), đại lễ tại đền trong.

Tế lễ

Vào dịp chính lễ, ở đây diễn ra rất nhiều lễ nghi mang những bản sắc rất riêng của ngư dân vùng biển cửa Càn. Trong đó, có thể kể đến như: Lễ khai quang, rước kiệu, yết cáo, cầu ngư, hợp tế tại đền Ngoài, yên vị tại đền Trong, lễ đại tế, lễ tạ, chạy ói… Tổ hành lễ là những bậc cao niên am hiểu chữ nghĩa, sống đức độ, ngay thẳng ở làng Phương Cần xưa, phường Quỳnh Phương ngày nay. Trong nhiều ngày qua ban tổ chức đã tổ chức tập dượt, để phần hành lễ vào ngày diễn ra lễ hội Đền Cờn được thực hiện một cách trang nghiêm và trọn vẹn nhất.

Đặc biệt, trong phần hội của lễ hội đền Cờn có màn tung kiệu bay trên biển, khiến hàng nghìn người dân và du khách phấn khởi, hồ hỡi theo dõi. Kiệu được hàng chục thanh niên trai tráng, khỏe mạnh tung lên. Được biết, kiệu bay nặng trung bình gần 3 tạ.

Màn tung kiệu bay trên biển đặc sắc

Bên cạnh các lễ hội như lễ cầu ngư, lễ hợp tế là những trò chơi dân gian của địa phương như đua thuyền, đánh cờ người, các hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ… 

Đua thuyền tại lễ hội đền Cờn

Lễ hội đền Cờn là một lễ hội truyền thống thuộc loại cổ xưa nhất của xứ Nghệ, thu hút hàng vạn du khách thập phương về tham dự. Lễ hội mang đậm nét văn hóa độc đáo, phản ánh đời sống sinh hoạt, tín ngưỡng dân gian của người dân biển Quỳnh.

Tham gia lễ hội và tìm hiểu những tích linh thiêng, huyền bí về đền Cờn
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung