Những nét đẹp về bản sắc văn hoá dân tộc trong lễ hội Cửa Ông

Lễ hội đền Cửa Ông được biết đến là một trong những lễ hội lớn nhất ở đất mỏ. Tại đây bạn sẽ được đắm chìm trong không gian lễ hội linh thiêng và hào hùng, tưởng nhớ đến những vị tướng đã có công gìn giữ độc lập và bảo vệ bờ cõi đất nước. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về lễ hội này nhé!

Nội dung chính

1. Thời gian diễn ra lễ hội đền Cửa Ông

Lễ hội diễn ra vào ngày mùng 2 tháng giêng Âm lịch, trùng với Tết Nguyên đán của nước ta. Lễ hội sẽ được tổ chức tại đền Cửa Ông – ngôi đền đồ sộ giữa lòng Quảng Ninh. Lễ hội sẽ kéo dài đến 3 tháng, tới tận cuối tháng 3 mới kết thúc. Vì vậy du khách có thể đến với Hạ Long bất cứ lúc nào trong 3 tháng này để tham gia lễ hội đền Cửa Ông.

Lễ hội đền Cửa Ông diễn ra từ mùng 2 tháng Giêng và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch

Chính hội sẽ diễn ra vào ngày 3 tháng 2 âm lịch, là lúc lễ hội tưng bừng nhất. Đây không chỉ là lúc thực hiện lễ rước tượng, mà còn tổ chức rất nhiều các trò chơi dân gian. Tuy nhiên chính hội này không không được tổ chức thường niên mà 2 năm mới có một lần.

2. Ý nghĩa lễ hội đền Cửa Ông

Lễ hội được tổ chức tại đền Cửa Ông hàng năm có giá trị lớn trong việc bảo tồn, phát huy những nét văn hóa, bản sắc lâu đời của dân tộc, giáo dục và gắn kết cộng đồng. Đến nay lễ hội này đã trở thành một phần trong đời sống tâm linh và sinh hoạt văn hóa cộng đồng của người dân Quảng Ninh, cũng là điểm thu hút khách du lịch.

Đền Cửa Ông

3. Đôi nét về đền Cửa Ông

Điểm du lịch tâm linh hấp dẫn

Đền Cửa Ông tọa lạc tại phường Cửa Ông (thành phố Cẩm Phả). Khu di tích này có quy mô rộng lớn, cùng lối kiến trúc cổ xưa, đã được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch xếp hạng là khu di tích lịch sử quốc gia. Nơi đây cũng đồng thời trở thành một trong những điểm du lịch tâm linh hấp dẫn, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của người dân Quảng Ninh. Ngôi đền này xây dựng nên để tưởng nhớ vị thần Hưng Nhượng Đại Vương Trần Quốc Tảng – một vị tướng đa mưu túc trí của nhà Trần, đồng thời là người con thứ 3 của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.

Ngày chính hội là thời điểm thu hút đông đảo khách du lịch ghé thăm nhất

Có giá trị về nghệ thuật, văn hoá dân tộc

Đền Cửa Ông không chỉ có ý nghĩa về giá trị lịch sử, mà còn mang giá trị về nghệ thuật, văn hoá dân tộc. Đền được xây dựng trên các ngọn đồi với khung cảnh hài hòa, xanh mướt những bóng cây cổ thụ, vừa mang không khí tĩnh mịch, hùng tráng, vừa hoa mỹ nhưng vẫn rất trang nghiêm. Toàn bộ kiến trúc đền Cửa Ông được xây bằng  những loại vật liệu quý giá nhất lúc bấy giờ: đá đúc, gạch Bát Tràng, vữa hồ pha mật, gạch lát nền là loại đất sét nung già, ngói mũi đất nung. Kiến trúc bên trong đền phỏng theo lối trang trí điển tích: Long, Ly, Quy, Phụng. Phần khung đền cũng là những loại gỗ quý hiếm, chắc chắn: đinh, lim, trắc, gụ. Ngoài ra còn trang trí rất nhiều bức phù điêu, bức trướng, các câu đối bằng chữ Hán, những hoa văn sơn son thếp vàng vô cùng lộng lẫy, bắt mắt.

Lễ hội đền Cửa Ông

Cảnh đẹp sơn thuỷ hữu tình

View phía trước đền Cửa Ông là vịnh Bái Tử Long tươi mát, với những hòn đảo đa dạng, muôn hình vạn trạng. Nhờ có vị trí nằm giữa cảnh sơn thuỷ hữu tình, ngôi đền này đã được người xưa ca tụng: “Nghìn trùng nước biếc buông tay áo. Bốn phía non xanh tạc hoạ đồ”. Trong suốt 4 mùa, nơi đây đều được thiên nhiên ưu ái với vẻ đẹp tuyệt mỹ, nhưng đặc biệt vẫn là mùa xuân khi lễ hội đền Cửa Ông diễn ra, với không khí mát mẻ và tiết trời dìu dịu.

Không gian đền Cửa Ông từ trên cao

Khu di tích đền Cửa Ông

Khu di tích đền Cửa Ông được chia thành 3 khu vực tham quan chínhđền Hạ, đền Trung và đền Thượng, cùng độ cao được nâng lên dần. Đền Hạ xây ở phía dưới đền thờ Mẫu; khu đền Thượng bao gồm đền chính thờ Trần Quốc Tảng, lăng Trần Quốc Tảng, đền Quan Châu, đền Quan Chánh… Đây cũng là quần thể đền duy nhất ở nước ta thờ toàn bộ gia thất của Đại Vương Trần Hưng Đạo và các cận thần của ông. Hiện nay, trong khuôn viên đền Cửa Ông vẫn còn lưu giữ 34 pho tượng với nhiều kích cỡ được các nghệ nhân chạm trổ công phu, mô phỏng lại những tướng thời xưa ngồi trong ngai, khám, long đình, mang cả giá trị văn hóa và giá trị nghệ thuật.

Lễ hội đền Cửa Ông với những nghi lễ truyền thống

4. Lễ hội đền Cửa Ông

Phần Lễ

Phần lễ bắt đầu với lễ dâng hương tại đền thượng. Sau đó đoàn rước sẽ đưa Đức Ông vi hành. Đoàn rước tượng bao gồm những người đại biểu, hương tử, Phật tử để rước tượng Đức Ông xuất phát từ sân chính tại đền Hạ sau đó ra miếu thờ đặt ở xã Trác Chân, tên tục thường gọi là Vườn Nhãn. Sở dĩ có tên này vì theo truyền thuyết, vườn nhãn chính là nơi Đức Ông đã trôi dạt vào. Rồi tượng Đức Ông tiếp tục được rước đi dọc đường Nghinh Thần, sau đó quay về sân đền – nơi đang tổ chức lễ hội, tượng trưng việc kết thúc cuộc du tuần của Đức Ông.

Những nghi lễ được thực hiện quy mô, bài bản, đầu tư rất chỉn chu

Phần lễ này 2 năm sẽ được thực hiện một lần, vào ngày 3 tháng 2 âm lịch. Còn trong suốt thời gian lễ hội gần 3 tháng, du khách có thể đến sân đền thắp nhang cho Đức Ông, vãn cảnh quanh khuôn viên đền và tham gia các trò chơi dân gian.

Phần Hội

Phần Hội được tổ chức ở khu vực đền Thượng và đền Hạ trong khuôn viên đền Cửa Ông, với các trò chơi dân gian như: tổ tôm điếm, kéo co, nấu cơm, têm trầu, soạn lễ, chọi gà, bịt mắt đập niêu… Các trò chơi này được rất nhiều người dân địa phương và khách du lịch tham gia, gửi gắm ước nguyện có một năm mới với thật nhiều sức khỏe.

Phần hội tại đền Cửa Ông
Trò chơi dân gian chọi gà
Chèo thuyền du xuân

Sau khi các nghi lễ được hoàn thành sẽ là chương trình nghệ thuật được biểu diễn bởi những diễn viên, nghệ sĩ, trong đó có rất nhiều người con của quê hương đất mỏ đã thành danh. Cuối cùng sẽ là màn trình diễn pháo hoa với thời lượng kéo dài trong 15 phút, tạo nên không khí phấn khởi, tưng bừng cho tất cả người dân và du khách thập phương đã về đây dự lễ.

Các tiết mục ca múa, nghệ thuật
Những màn biểu diễn kì công và mang đậm bản sắc dân tộc

Lễ hội đền Cửa Ông là dịp để nhân dân ôn lại truyền thống đấu tranh chống ngoại xâm của ông cha ta, đồng thời gìn giữ và phát huy những nét đẹp về bản sắc văn hoá dân tộc. Trải qua thời gian dài, Lễ hội Đền Cửa Ông đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân địa phương và là điểm đến thu hút du khách thập phương trở về với vùng đất linh thiêng –  phường Cửa Ông, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Những nét đẹp về bản sắc văn hoá dân tộc trong lễ hội Cửa Ông
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung