Lễ hội xuân Núi Bà

Lễ hội xuân Núi Bà Đen là một trong những văn hoá lễ hội đặc sắc tại tỉnh Tây Ninh. Lễ hội diễn ra định kỳ hàng năm, thu hút hàng loạt các du khách từ khắp mọi nơi đổ về. Đến với hội xuân Núi Bà, mọi người không chỉ được chiêm ngưỡng khung cảnh tươi đẹp, tận hưởng không khí lễ hội nhộn nhịp, vui tươi mà còn được hoà vào nhịp sống văn hoá tâm linh của người dân nơi đây.

Nội dung chính

1. Truyền thuyết Núi Bà

Núi Bà – thường được gọi là Núi Bà Ðen do truyền thuyết, có một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng phật đạo, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và chết ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”.

Núi Bà Đen

2. Vị trí toạ lạc của Núi Bà Đen

Nằm trên địa phận phường Ninh Sơn thuộc thành phố Tây Ninh cách trung tâm thành phố chừng 11km về phía Tây Bắc, khu di tích danh thắng núi Bà gắn với nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian. Nơi đây được đánh giá là vùng đất tâm linh vào hàng bậc nhất của vùng đất Nam bộ. Trên núi có nhiều hang động, đền đài, am miếu. Tại đây thờ nhiều vị thần linh, tiên, thánh, Phật. Trong đó, vị thần chính là Bà Đen được sắc phong Linh Sơn Thánh Mẫu.

Vị trí tọa lạc của núi Bà

Linh Sơn Tiên Thạch Tự tọa lạc giữa lưng chừng núi, ở độ cao 350m. Gồm những ngôi chùa cổ xưa nhất ở Tây Ninh như Chùa Bà, chùa Hang, Đông Hoàng Chung, chùa Trung, chùa Mới… có niên đại tới gần 300 năm. Đây là công trình tâm linh gắn liền với đời sống tín ngưỡng của người dân địa phương, thu hút hàng triệu du khách thập phương đổ về chiêm bái, cầu an quanh năm. Phật tử khắp chốn cũng tìm đến nơi đây để bái Phật nằm hay còn gọi là “Phật nhập Niết Bàn” trên Núi Bà, một công trình Phật giáo không thể bỏ qua trong chuyến hành hương về miền đất địa linh.

Khai mạc Lễ hội xuân Núi Bà

3. Hội xuân Núi Bà Đen

Trẩy hội núi Bà

Vào dịp Tết Nguyên đán, khi tiết trời còn mát mẻ, cảnh vật như được khoác lên một màu áo mới thì lòng người cũng hồ hởi hân hoan…, người ta rủ nhau đi trẩy hội núi Bà. Tuy vía Bà diễn ra từ đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng nhưng trong suốt tháng Giêng và cả tháng Hai, núi Bà Đen trở nên đông vui với dòng người tấp nập trở về. Khách đến hành hương vì nhu cầu tín ngưỡng đã đành nhưng người đi phó hội vì muốn tham quan, giải trí chiếm tỷ lệ không nhỏ. Nhiều người về đây như muốn hòa chung niềm vui cùng đất trời.

Đầu năm, người dân nườm nượp về đây

Từ chân núi, khách trẩy hội phải dùng chính sức mình để chinh phục ngọn núi. Khi đến lưng chừng, có thể ghé vào lễ tại đền Linh Sơn Thánh Mẫu. Sau đó có thể tiếp tục theo đường mòn để lên chùa lễ Phật. Gần đỉnh núi còn có ngôi miếu Sơn thần. Đứng tại đây, khách có cảm giác như đang lạc vào chốn thần tiên khi nhiều đám mây là là dưới chân. Cũng từ đây khách có thể phóng tầm mắt bao quát toàn cảnh hồ Dầu Tiếng. Đó là một công trình thủy lợi vào hàng đẹp và lớn ở Việt Nam.

Viếng Bà, nguyện cầu năm mới an khang, thịnh vượng

Phương Nam ấm áp trong dịp đầu xuân, người dân lại rủ nhau lên Núi Bà Đen ở Tây Ninh để viếng Bà, nguyện cầu năm mới an khang, thịnh vượng, tài lộc. Đặc biệt, trong ngày Rằm tháng Giêng, miếu thờ bà hầu như chật cứng người đến hành hương, bái lễ kết hợp với thăm thú phong cảnh. Đây là cũng chính là thời gian diễn ra sôi nổi của lễ hội núi Bà Đen – một lễ hội ở Việt Nam được rất nhiều đồng bào biết đến.

Điện Bà

Từ chân núi đi lên, rất nhiều chùa chiền, miếu, hang động và tượng như Điện Bà, Chùa Phật, Động Thanh Long, Động Huyền Môn, Động Kim Quang, Hang Gió, Tháp Tổ nhưng Điện Bà là đông nhất, quanh năm nhang khói nghi ngút.

Tượng Phật niết bàn to lớn và trắng muốt trên núi Bà Đen

Điện Bà nằm ở lưng chừng núi với bức tượng Bà được tạc bằng đồng đen, khoác trên mình y phục lộng lẫy và trang sức lấp lánh. Leo bộ lên núi viếng Bà là cách mà người dân thể hiện lòng sùng kính. Bên trong điện lúc nào cũng mát rượi dù cho bên ngoài có nắng nóng thế nào. Với những thương nhân, họ quan niệm rằng đầu năm đến viếng và “vay mượn” Bà, nhờ vía Bà, lộc Bà, cả năm sẽ làm ăn thuận lợi, tài lộc kéo về rồi đến ngày vía Bà đi trả lễ, tạ ơn Bà.

Điện Bà nằm ở lưng chừng núi

Dù được tổ chức vào ngày xuân hay ngày hè, lễ hội núi Bà vẫn có sức thu hút đặc biệt đối với nhiều người cả trong và ngoài tỉnh. Những nghi thức trong lễ hội núi Bà mang tính chất trang nghiêm của lễ thức Phật giáo. Đồng thời còn mang sắc thái tươi vui rộn ràng của tín ngưỡng dân gian.

Hội xuân Núi Bà không chỉ là sự tự do tín ngưỡng tôn giáo. Nó còn biểu hiện đậm đà bản sắc dân tộc. Đồng thời chuyển tải một cách dung dị những ước mong của đại chúng. Đó là mong ước về một cuộc sống ấm no, hạnh phúc…

Lễ hội xuân Núi Bà
Chúng tôi đón chào email đăng ký từ khắp nơi và không bao giờ spam
luxstay

luxstay

Cẩm nang các địa điểm du lịch và lễ hội tại Việt Nam

Bài viết cùng chủ đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tour Miền Trung